Lãnh đạo Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ ra tuyên bố kêu gọi ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Embed from Getty Images

Các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ (Quad), bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ nhắm tới Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và ba đối tác của ông trong nhóm dù không nhắc đích danh tên Trung Quốc vào thứ Bảy, nhưng Bắc Kinh rõ ràng là mục tiêu trong một tuyên bố chung kêu gọi “hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

“Chúng tôi cực lực phản đối các hành động gây bất ổn hoặc đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc,” tuyên bố cho biết, sử dụng ngôn ngữ ngoại giao dường như đề cập đến các chiến thuật kinh tế của Trung Quốc nhằm đạt được đòn bẩy đối với các nước nghèo hơn cũng như việc mở rộng quân sự của nước này ở Thái Bình Dương.

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, việc sử dụng nguy hiểm các tàu dân quân biển và cảnh sát biển, cũng như nỗ lực ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác,” tuyên bố nói thêm, rõ ràng ám chỉ việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ trên các rạn san hô ngoài khơi và quấy rối các tàu không phải của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã tổ chức cuộc họp riêng trong khi tập trung tại Hiroshima cho hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese dự kiến sẽ tiếp đón ông Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Sydney vào tuần tới.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết ông phải từ Nhật Bản trở về Washington vào Chủ nhật để đàm phán với các đối thủ của Đảng Cộng hòa về trần nợ của Mỹ.

Ông Biden xin lỗi vì buộc phải thay đổi kế hoạch và đã mời người đồng cấp Albanese thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng.

Trong tuyên bố chung, Bộ Tứ cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của ho đối với việc cải thiện cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn, đồng thời nói rằng họ muốn hỗ trợ các khoản đầu tư như vậy nhưng sẽ “không áp đặt gánh nặng nợ không bền vững” lên những người nhận hỗ trợ”, một ám chỉ rõ ràng khác về Trung Quốc.

Trong số các dự án mà các nhà lãnh đạo Bộ Tứ nhấn mạnh là “nhu cầu cấp thiết để hỗ trợ các mạng cáp quang biển chất lượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn là chìa khóa cho sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu”. 

Ngoài ra, một chương trình thí điểm hiện có để giám sát đánh bắt cá bất hợp pháp bằng công nghệ cao sẽ được mở rộng.

Bộ Tứ cũng “quan ngại sâu sắc” trước sự đàn áp ở Myanmar, đồng thời lên án “các vụ phóng tên lửa đạn đạo gây bất ổn của Triều Tiên và theo đuổi vũ khí hạt nhân vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Ông Kishida cảnh báo rằng môi trường an ninh thậm chí còn trở nên khó khăn hơn kể từ cuộc họp gần đây nhất của liên minh vào năm ngoái. Ông Modi tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của bốn quốc gia sẽ được tổ chức bởi Ấn Độ vào năm 2024.

Lê Vy (t/h)