Các nước nghèo trong tháng 12/2021 đã từ chối nhận hơn 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 được phân phối theo chương trình COVAX, chủ yếu là do các lô vắc-xin này sắp hết hạn, Reuters dẫn phát biểu của một quan chức UNICEF nói hôm thứ Năm (13/1).

Embed from Getty Images

Bà Etleva Kadilli, Giám đốc Ban Cung ứng tại Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hôm thứ Năm (13/1) đã nói với các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu rằng: “Hơn 100 triệu liều [vắc-xin COVID-19] đã bị từ chối nhận chỉ riêng trong tháng 12/2021”.

Bà Kadilli cho biết lý do chính khiến các nước từ chối nhận hơn 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 là do các lô vắc-xin này có thời gian sử dụng ngắn.

Theo một bản trình chiếu dữ liệu từ UNICEF, trong số 15 triệu liều vắc-xin COVID-19 từ châu Âu bị các nước nghèo từ chối nhận có ¾ là vắc-xin AstraZeneca với thời gian sử dụng chỉ còn chưa đến 10 tuần.

Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 12/2021 đã nói rằng vắc-xin COVID-19 có thời gian sử dụng ngắn do các quốc gia giàu tài trợ là “vấn đề lớn” đối với chương trình phân bổ vắc-xin COVAX.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Y tế Kenya Mburugu Gikunda nói rằng họ muốn có đủ thời gian để phân phối vắc-xin từ kho đến các điểm tiêm chủng và nếu nhận vắc-xin sắp hết hạn thì sẽ lãng phí.

Reuters hồi tháng 12/2021 đã đưa tin rằng tại Nigeria trong tháng 11/2021 đã phải hủy 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 quá hạn mà chưa được sử dụng.

>>Nigeria sẽ hủy bỏ 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 hết hạn

Bà Kadilli giải thích thêm rằng các nước nghèo cũng buộc phải trì hoãn nhận thêm vắc-xin bởi vì họ không có đủ cơ sở hạ tầng lưu trữ vắc-xin, trong đó đặc biệt thiếu các tủ lạnh bảo quản.

Ngoài ra, nhiều nước cũng phải đối mặt với thực trạng đông đảo người dân lưỡng lự tiêm vắc-xin COVID-19 và hệ thống y tế bị quá tải.

UNICEF không trả lời Reuters về thông tin cho đến nay các nước đã từ chối nhận tổng cộng bao nhiêu liều vắc-xin COVID-19 từ chương trình COVAX.

Tổ chức từ thiện CARE trích xuất dữ liệu công khai của UNICEF về nguồn cung và sử dụng vắc-xin đã phân bổ cho thấy rằng 681 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã phân phối hiện vẫn đang bị lưu kho ở khoảng 90 quốc gia nghèo.

Cũng theo CARE, hơn 30 quốc gia nghèo, trong đó có những nước dân số đông như Cộng hòa Congo và Nigeria, đã đang sử dụng chưa đến một nửa số vắc-xin COVID-19 mà họ được nhận.

Theo số liệu của WHO, tính đến tháng 1/2022, 67% dân số của các nước giàu hơn đã tiêm đầy đủ vắc-xin COVID-19, trong khi chỉ khoảng 8% dân số của các nước nghèo hơn mới tiêm 1 liều vắc-xin COVID-19.

Như Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: