Ngày 13/8, Thống đốc Josh Green của tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ gọi một phần của đảo Maui bị tàn phá bởi vụ cháy rừng là “vùng chiến sự” bởi vì số người chết đã lên tới 93 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

Embed from Getty Images

Ngày 8/8, một đám cháy di chuyển nhanh đã nhấn chìm vùng bờ biển phía tây bắc của đảo Maui thuộc tiểu bang Hawaii trong biển lửa, san bằng thị trấn nghỉ mát lịch sử Lahaina và xóa sạch dường như mọi thứ trên đường đi của nó.

Đến ngày 11/8, Thống đốc Green cho biết: “Thiệt hại ước tính lên tới 6 tỷ đô la,” đồng thời nhận định, sẽ phải mất “một khoảng thời gian khó tin” để phục hồi.

Vài ngày sau trận hỏa hoạn, các đội cứu hỏa vẫn đang chiến đấu với các ngọn lửa bùng lên và các chú chó nghiệp vụ đang lùng sục qua các đống đổ nát cháy thành than của thị trấn Lahaina để tìm kiếm nạn nhân, trong khi những người sống sót và các quan chức chính quyền phải vật lộn với nhiều khó khăn với quy mô của một trận thảm họa.

Phát biểu với đài MSNBC hôm 12/8, Thống đốc Green cho biết: “Hiện giờ, chúng tôi vẫn đang vật lộn với giai đoạn cấp tính của quá trình phục hồi này, nghĩa là chúng tôi vẫn đang khắc phục sự mất mát về con người bi thảm này. Hiện chúng tôi đang có 93 nạn nhân … đó là vùng chiến sự, nhưng sự giúp đỡ thật đáng kinh ngạc.”

Trước đó hôm 11/8, Thống đốc Green đã cảnh báo rằng số người chết sẽ còn tăng lên. Đồng thời ông cam kết sẽ cho tiến hành điều tra về việc phản ứng đối với vụ cháy và các hệ thống thông báo khẩn cấp sau khi một số cư dân đặt nghi vấn liệu có thể làm nhiều hơn để cảnh báo họ trước khi nhà của họ bị phá hủy hay không.

Một số người đã buộc phải lội xuống Thái Bình Dương để trốn thoát vụ cháy.

Hệ thống còi báo động đặt xung quanh hòn đảo, nhằm mục đích cảnh báo các thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra, đã không vang lên. Ngoài ra, tình trạng mất điện và sóng di động trên diện rộng đã cản trở các hình thức cảnh báo khác.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên TV, Thống đốc Green lưu ý: “Chúng ta sẽ sớm biết liệu họ có làm đủ để đảm bảo các hệ thống còi báo động đó hoạt động hay không.”

Phát biểu với các phóng viên khi được hỏi liệu ông có kế hoạch đến thăm đảo Maui trong những ngày tới hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp lại: “Chúng tôi đang xem xét điều đó.”

Số người chết đã khiến vụ cháy rừng này trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất, vượt qua trận sóng thần đã giết chết 61 người vào năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.

Số người chết lần này cũng đã vượt số người chết trong vụ cháy năm 2018 tại thị trấn Paradise thuộc tiểu bang California, khi đó đã có 86 người thiệt mạng. Vụ cháy lần này là vụ cháy rừng có số người thiệt mạng cao nhất kể từ năm 1918. Theo dữ liệu của Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia Hoa Kỳ, năm 1918, vụ cháy Cloquet ở bang Minnesota và Wisconsin đã giết chết 453 người.

Hôm 11/8, Thống đốc Green cho hay, các quan chức tiểu bang đã đảm bảo cung cấp 1.000 phòng khách sạn cho những người mất nhà và đang thu xếp các tài sản cho thuê để làm nhà ở miễn phí cho các gia đình bị thiệt hại nhà cửa do hỏa hoạn. Hơn 1.400 người đã được đưa đến những nơi trú ẩn khẩn cấp.

Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), chi phí để xây dựng lại thị trấn Lahaina ước tính khoảng 5,5 tỷ đô la, với hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc bị phá hủy và hơn 2.100 mẫu Anh rừng bị đốt cháy.

Giám đốc Deanne Criswell của FEMA tiết lộ, cơ quan này hiện đã có 150 người tại hiện trường, và các đội tìm kiếm bổ sung cùng với chó nghiệp vụ sẽ đến trong một hoặc hai ngày tới.

“Quá bi thảm”

Hôm thứ Sáu (10/8), các nhà chức trách đã bắt đầu cho phép cư dân quay trở lại vùng phía tây đảo Maui, mặc dù khu vực bị cháy ở thị trấn Lahaina vẫn bị rào chắn. Thống đốc Green giải thích, khu vực này là một địa điểm nguy hiểm do khói nguy hiểm vẫn tỏa ra từ những tàn tích âm ỉ.

Hàng trăm người vẫn đang mất tích, mặc dù con số chính xác vẫn chưa rõ ràng. Hôm 11/7, Thống đốc Green cảm thán, cảnh tượng ở thị trấn Lahaina “quá bi thảm” sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Ông kể: “Khi chúng tôi cố gắng nhấc lên và ôm lấy những gì chúng tôi đã mất, thực tế chẳng có gì ở đó cả.” Các quan chức Quận Maui lưu ý, tình trạng của các thi thể có thể làm phức tạp các nỗ lực nhận dạng. Tính đến thứ Bảy (11/8), chỉ có hai nạn nhân được nhận dạng.

Thảm họa bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày thứ Ba (8/8) khi một vụ cháy rừng lan nhanh được báo cáo ở thị trấn Kula, cách thị trấn Lahaina khoảng 35 dặm (56km).

Khoảng năm giờ sau, điện đã bị cắt ở Lahaina. Trong các cập nhật được đăng trên Facebook vào sáng hôm đó, Quận Maui cho biết, một đám cháy rừng lan nhanh rộng ba mẫu Anh đã bùng phát ở Lahaina vào khoảng 6:30 sáng nhưng đã được khống chế trước 10 giờ sáng.

Các cập nhật tiếp theo tập chung vào vụ cháy ở thị trấn Kula, đám cháy đã thiêu rụi hàng trăm mẫu Anh rừng và buộc một số cư dân địa phương phải sơ tán. Nhưng vào khoảng 3:30 chiều, theo cập nhập của Quận Maui, đám cháy ở Lahaina đã bùng phát trở lại.

Một số cư dân bắt đầu sơ tán, trong khi những người khác bao gồm khách của khách sạn ở vùng phía tây của thị trấn được hướng dẫn trú ẩn tại chỗ.

Trong những giờ tiếp theo, Quận Maui đã đăng một loạt lệnh sơ tán trên Facebook, mặc dù không rõ người dân có nhận được các lệnh này hay không trong khi mọi người điên cuồng chạy trốn khỏi ngọn lửa đang lan nhanh.

Một số nhân chứng chỉ trích, họ nhận được rất ít cảnh báo, đồng thời mô tả nỗi kinh hoàng của họ khi nhìn thấy ngọn lửa thiêu rụi thị trấn xung quanh họ dừng như chỉ trong vài phút.

Gia Huy (Theo Newsmax)