Theo Liên Hiệp Quốc, giao chiến giữa quân đội và lực lượng bán quân sự tại Sudan đã kéo dài 3 ngày từ thứ Bảy (15/4) khiến gần 200 người thiệt mạng và 1.800 người khác bị thương, nhiều bệnh viện bị hư hại và đứt gãy chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm.

Hai tướng lĩnh tại Sudan là chỉ huy quân đội Abdel Fattah Al-Burhan và phó chỉ huy quân đội kiêm chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF – đơn vị bán quân sự) Mohamed Hamdan Daglo đã tranh đấu quyền lực nhiều tuần qua và cuối cùng bùng nổ thành cuộc bạo động chết chóc từ hôm 15/4. Ông Al-Burhan và ông Hamdan Daglo đã giành quyền lực tại Sudan sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

Các nhà phân tích cho biết giao chiến lần này ở thủ đô của đất nước bất ổn định dai dẳng là chưa từng có tiền lệ và có thể kéo dài bất chấp cộng đồng quốc tế đã liên tục kêu gọi các bên chấm dứt thù địch và ngừng bắn.

Các trận giao chiến vũ trang cũng xảy ra ở hầu hết cả nước Sudan và nhiều người lo sợ xung đột có thể còn lan ra cả khu vực.

Người dân ở thủ đô Khartoum đang phải ở trong nhà, quan sát qua cửa sổ các đoàn xe tăng đi trên phố, các tòa nhà rung chuyển, khói đạn từ các đợt không kích. Dân số Sudan đa phần theo đạo Hồi và đây là thời gian cuối của thánh lễ Ramadan thường niên.

Các bên tham gia xung đột vũ trang sử dụng cả không kích, nã pháo và đấu súng hạng nặng.

Một số người dân vẫn buộc phải mạo hiểm ra ngoài, xếp hàng mua bánh mì và xăng tại các cửa hàng còn chưa đóng cửa. Nhiều khu dân cư cũng đã bị mất điện.

Ông Volker Perthes, lãnh đạo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Sudan, nói với Hội đồng Bảo an trong một cuộc họp kín rằng ít nhất 185 người đã thiệt mạng và 1.800 người khác bị thương sau 3 ngày xung đột vũ trang ở Sudan.

Sau cuộc họp, ông Volker Perthes nói với báo giới rằng: “Tình hình thay đổi liên tục nên rất khó để nói thế trận đang nghiêng về bên nào”.

Sáng thứ Hai (17/4), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lại kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan hãy “dừng thù địch ngay lập tức”. Ông cảnh báo rằng leo thang tiếp nữa “có thể phá hủy đất nước [Sundan] và cả khu vực”.

Các hoạt động viện trợ quan trọng bị đình trệ

Các bác sĩ tại Sudan cho biết đã có gần 100 thường dân và “hàng chục” binh sĩ của cả hai phe phái bị thiệt mạng, nhưng con số thương vong thực tế khả năng còn cao hơn thế bởi vì nhiều người bị thương không thể tới bệnh viện.

Nghiệp đoàn bác sĩ tại Sudan đã cảnh báo rằng cuộc xung đột vũ trang hiện nay đã “gây hư hại nặng nề” cho các bệnh viện ở thủ đô Khartoum và các thành phố khác, trong đó một số bệnh viện đã dừng hoạt động hoàn toàn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo rằng nhiều trong số 9 bệnh viện ở Khartoum nơi đang tiếp nhận thường dân bị thương “đã hết máu dự trữ, thiết bị truyền máu, dịch tĩnh mạch và các thiết bị y tế quan trọng khác”.

Tại thành phố Darfur, miền tây của Sudan, tổ chức cứu trợ y tế quốc tế Bác sĩ Không biên giới (MSF) loan báo rằng họ đang nhận 136 bệnh nhân bị thương tại một bệnh viện duy nhất ở El Fasher vẫn còn đang hoạt động tại bang Bắc Darfur.

Ông Cyrus Paye của MSF cho hay: “Đa số người bị thương là thường dân bị dính líu vào cuộc chiến này, trong đó có nhiều trẻ em”.

Ông Cyrus Paye nói thêm rằng do khả năng phẫu thuật hạn chế, nên “11 người bị thương đã chết trong 48 giờ đầu tiên sau cuộc xung đột”.

Theo tổ chức từ thiện Save the Children và MSF, ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cũng nằm trong số các nạn nhân bị thiệt mạng tại Darfur hôm 15/4. Tại đây, thiết bị y tế và các nguồn cung khác của các phái đoàn cứu trợ nhân đạo quốc tế cũng đã bị cướp bóc.

Một số tổ chức cứu trợ quốc tế đã tạm dừng hoạt động, trong khi 1/3 dân số Sudan cần phải được cứu trợ.

Các phe phái đổ lỗi cho nhau

Ông Daglo viết trên Twitter kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy can thiệp để chống lại ông Al-Burhan. Ông Daglo gọi ông Al-Burhan là “phần tử hồi giáo cực đoan đang đánh bom người dân từ trên không”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục truy bắt Al-Burhan và đưa ông ta ra công lý”, ông Daglo cho hay.

Ông Daglo trước đây là lãnh đạo của tổ chức Janjaweed, tiền thân của RSF. Tổ chức vũ trang này đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và nhiều tội ác khác tại Darfur.

Trong khi đó, quân đội Sudan do ông Al- Burhan lãnh đạo đã phát đi các tuyên bố gọi RSF là “phiến quân” có ý định “tiến vào gần các khu vực đông dân”.

Cả quân đội và RSF đều tuyên bố kiểm soát được các khu vực quan trọng, gồm cả sân bay và dinh tổng thống ở thủ đô Khartoum.

Các nhà ngoại giao quốc tế đã đang tích cực tìm biện pháp tháo ngồi nổ xung đột tại Sudan.

Ai Cập, quốc gia láng giềng phía bắc Sudan, loan báo rằng họ đã thảo luận với Ả Rập Saudi, Nam Sudan và Djibouti về “sự cần thiết phải tiến hành mọi nỗ lực nhằm duy trì ổn định và an toàn”. Tất cả các nước nêu trên đều là đồng minh gần gũi của Sudan.

Tổng thống Ai Cập Sisi cho biết ông đã liên lạc với RSF để đảm bảo an toàn cho binh lính Ai Cập vốn đã đang ở Sudan tham gia các cuộc tập trận quân sự chung được tổ chức ở thị trấn Merowe, miền bắc Sudan.

Qatar cho biết họ đã nói chuyện với lãnh đạo ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat. Ông Mahamat đang có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hòa giải, ngừng bắn tại Sudan.

Tuy nhiên, ông Mahamat đang gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Sudan. Hiện không có thêm các chuyến bay nào tới Khartoum do trước đó xung đột tại sân bay ở thủ đô đã gây ra hư hại cho một số máy bay.