Chính quyền Myanmar hôm thứ Bảy (17/4) thông báo họ đã ân xá và thả hơn 23.000 tù nhân trong dịp năm mới. Tuy vậy, hiện chưa rõ liệu trong số này có các nhà hoạt động bị giam giữ sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai hay không.

Embed from Getty Images

Thông cáo được công bố trên đài truyền hình nhà nước MRTV cho biết lãnh đạo quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing đã ân xá cho 23.047 tù nhân, bao gồm 137 người nước ngoài và những người này sẽ bị trục xuất khỏi Myanmar. Ông Hlaing cũng giảm án cho nhiều người khác.

Việc ân xá tù nhân là thông lệ trong các ngày lễ lớn, nhưng đây là lần thứ hai chính quyền quân sự làm như vậy kể từ khi lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị  AAPP, các lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 726 người biểu tình kể từ khi đảo chính. Nhóm cho biết 2.728 người, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, đang bị giam giữ.

Trong một diễn biến khác, Reuters hôm 16/4 đưa tin các nước Đông Nam Á đang xem xét đề xuất gửi một phái đoàn viện trợ nhân đạo đến Myanmar như một bước đầu tiên trong kế hoạch dài hạn nhằm tạo ra môi trường đối thoại giữa quân đội chính phủ và phe đối lập.

Đề xuất này đang được xem xét trước cuộc họp dự kiến của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 24 tháng này. 

Các nhà ngoại giao cho biết cuộc họp có thể có sự tham gia của Thống tướng Min Aung Hlaing.

Rizal Sukma, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta, cho biết đề xuất của ASEAN sẽ bắt đầu bằng việc tạm dừng các hành động thù địch và tiếp theo là việc cung cấp viện trợ. 

Ông nói, điều này cuối cùng có thể tạo ra một “không gian đối thoại” giữa quân đội chính phủ và phe đối lập. Một yếu tố thứ 3 mà ASEAN cũng đề xuất là yêu cầu quân đội Myanmar thả các tù nhân chính trị. 

Bốn thành viên của ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi, người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.

Theo Reuters, ý tưởng bổ nhiệm một đặc phái viên cũng đang được xem xét, với việc Tổng thư ký ASEAN hoặc một nhà ngoại giao cấp cao đã nghỉ hưu hoặc nhân vật quân sự sẽ đảm nhận công việc này. Đặc phái viên sẽ đàm phán với chế độ quân sự và các thành viên của chính phủ bị lật đổ.

Tuy nhiên, có rất ít khả năng sẽ sớm có một cuộc đối thoại nào giữa quân đội chính phủ và phe đối lập. Chính quyền quân sự đã cáo buộc phe đối lập tội phản quốc, trong khi các nhà lập pháp bị lật đổ đã gọi nhà lãnh đạo quân đội là “kẻ sát nhân”.

Lê Xuân

Xem thêm: