Chính phủ Đài Loan đang tập trung chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Trung Quốc đại lục và “cam kết chắc chắn” sẽ tự vệ, Bộ trưởng ngoại giao Joseph Wu nói trong một cuộc họp báo phát sóng trực tiếp với Tokyo hôm thứ 5 (3/6).

Embed from Getty Images

Ông Wu nói Đài Loan không mong chờ một cuộc xung đột quân sự sớm, nhưng nếu xung đột xảy ra ngày mai hay trong 10 năm nữa, yếu tố chính vẫn là việc chuẩn bị sẵn sàng.

“Bảo vệ Đài Loan là trách nhiệm của chính chúng tôi và chúng tôi cam kết nhất định sẽ tự vệ,” ông nói. “Nếu xảy ra chiến tranh giữa Đài Loan và Trung Quốc, chính chúng tôi sẽ trực tiếp chiến đấu. Chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của các nước khác. Nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu vì sự sống còn của chính chúng tôi, vì tương lai của chính chúng tôi.”

Tuyên bố của ông Wu được đưa ra trong bối cảnh các quan chức quân sự Mỹ trước đây và hiện tại đã dựa vào Nhật Bản như một nguồn hỗ trợ khác [cho Đài Loan] trước nguy cơ về mối đe dọa ngày càng tăng của lực lượng vũ trang Đại lục.

Cảnh báo cũng nhấn mạnh Mỹ cần giúp đỡ cho việc chuẩn bị sẵn sàng về quân sự tại khu vực. Vì hầu hết tài sản quân sự của Mỹ ở châu Á đều được đặt tại Nhật Bản, đất nước này dường như đang trở thành điểm đối kháng của Washington với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

“Đại diện các lực lượng vũ trang Mỹ đều bày tỏ quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc,” Benjamin Barton, một chuyên gia về chính sách an ninh Trung Quốc Đại học Nottingham tại Anh, nói. “[Họ] đang buộc Bắc Kinh tuân thủ một số hình thức ứng xử và đưa ra bảo đảm với các đồng minh – trong trường hợp này là Đài Loan, đồng thời cũng phát tín hiệu cho các nước châu Á khác – rằng Mỹ vẫn đảm đương vị trí đứng đầu.”

Ông Barton nói rằng Tokyo thường “qua lại” giữa Trung Quốc và Mỹ bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh đồng thời duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Washington. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ đang cố gắng khiến Nhật chính thức đứng về phía họ chống lại Trung Quốc, điều Tokyo trước đây không sẵn sàng làm.

 

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhất định sẽ phải được thống nhất với Đại lục, cho dù có phải viện đến lực lượng quân sự. Luật pháp Mỹ cam kết cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ, nhưng không nói rõ liệu họ có can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh tấn công hay không.

Đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã nhắc lại bình luận của ông trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 3, rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng tấn công Đài Loan vào một thời điểm “gần hơn rất nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người.”

Tian Shichen, một chuyên gia luật quốc tế và cựu đại uý hải quân PLA, nói vấn đề Đài Loan đã trở thành một tình thế khó xử cho cả Trung Quốc và Mỹ.

“Đài Loan luôn là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nếu những nhân tố độc lập của Đài Loan vượt qua lằn ranh đỏ, thì xung đột sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu quan hệ được cải thiện, hoà bình sẽ thắng thế. Nhưng thống nhất bằng vũ lực luôn là một lựa chọn.”

Lằn ranh đỏ của Bắc Kinh được đặt ra trong Luật chống ly khai năm 2015. Nó tuyên bố rằng hành động “phi hòa bình” sẽ được thực hiện nếu Đài Loan đứng trước nguy cơ tách rời Đại lục và không có khả năng thống nhất trong hoà bình nào.

Chính phủ Nhật Bản và Liên minh châu Âu mới đây đã phá vỡ tiền lệ ngoại giao, đưa ra một tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên, gồm cả những quan ngại về vấn đề Đài Loan. 

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình những vấn đề xuyên eo biển,” tuyên bố nói. Tuyên bố này tương tự với các bình luận về Đài Loan của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4. 

Kanehara Nobukatsu, từng là một quan chức an ninh quốc gia dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, nói trong một chuyên mục của Nippon.com hôm thứ 4 tuần trước rằng một cuộc khủng hoảng an ninh đối với Đài Loan sẽ là một cuộc khủng hoảng an ninh đối với Nhật Bản.

“Không có lý do nào để tranh cãi về việc liệu một sự việc bất ngờ như vậy có đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản hay không, hoặc đơn thuần là vấn đề hoà bình và an ninh khu vực,” ông Nobukatsu viết. “Thực tế, mối đe dọa đối với Nhật Bản còn trực tiếp hơn và tức thời hơn mối đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.”

“Điều này đặt ra cho Nhật Bản một trách nhiệm nặng nề, nhưng chúng ta phải gánh vác nó – không chỉ để bảo vệ Đài Loan mà còn để bảo vệ lãnh thổ của chính chúng ta.”

Matt Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, nói hôm thứ Ba rằng Tokyo nên bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh xâm chiếm hòn đảo. Ông cũng cho biết ý tưởng về liên minh Bộ tứ giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để chống lại Trung Quốc thực tế xuất phát từ ông Abe.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: