Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết hôm 26/9, hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về việc có đóng cửa biên giới Nga nhằm ngăn chặn làn sóng di cư của những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ rời khỏi đất nước hay không, sau những ngày hỗn loạn trong đợt tổng động viên quân sự quy mô lớn đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Embed from Getty Images

Khi được hỏi về viễn cảnh thiết quân luật ở một số vùng biên giới và liệu biên giới Nga có bị đóng cửa hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên: “Tôi không biết gì về điều này. Hiện tại, chưa có quyết định nào về điều này.”

Các thông tin dự đoán Nga có thể đóng cửa biên giới đã góp phần thúc đẩy tình trạng hỗn loạn kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra sắc lệnh kêu gọi điều động quân dự bị trong cuộc leo thang lớn nhất từ ​​trước đến nay trong cuộc chiến kéo dài 7 tháng ở Ukraine.

Nga coi hàng triệu lính nghĩa vụ là lực lượng quân dự bị chính thức. Giới chức chưa thông báo rõ ràng về những đối tượng sẽ bị triệu tập, nhưng tiết lộ con số sẽ vào khoảng 300.000 người, chủ yếu là những người đã có kinh nghiệm quân sự.

Ngày 26/9, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng “hàng chục nghìn” người đã nhận được giấy triệu tập.

Các chuyến bay rời khỏi Nga đã nhanh chóng cháy vé và ô tô ùn tắc hàng dài tại các trạm kiểm soát biên giới. Từng có thời điểm trong ngày Chủ nhật (25/9), thời gian chờ đợi ước tính để vào Gruzia kéo dài tới 48 tiếng, với hơn 3.000 xe cộ xếp hàng để đi qua biên giới. Gruzia là nước láng giềng thân phương Tây hiếm hoi cho phép công dân Nga nhập cảnh mà không cần thị thực.

Cảnh tượng tương tự cũng đã diễn ra tại các biên giới với Kazakhstan, Phần Lan và Mông Cổ, tất cả những nơi này đều  có hàng dài người xếp hàng để rởi đi.

Ông Sergei Tsekov, một nhà lập pháp cấp cao đại diện cho Crimea tại Thượng viện Nga nói với hãng tin RIA: “Tất cả những người trong độ tuổi nhập ngũ nên bị cấm ra nước ngoài trong tình hình hiện nay.”

Hai trang chuyên về tin tức lưu vong – Meduza và Novaya Gazeta Europe – cũng dẫn lời các quan chức không rõ danh tính cho hay, chính quyền đang lên kế hoạch cấm những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ xuất cảnh.

Sắc lệnh tổng động viên của ông Putin đã dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài đầu tiên ở Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Irkutsk ở Siberia và Ulan-Ude ở vùng viễn Đông của Nga, cũng như Khabarovsk và Yakutsk.

Nhóm giám sát cuộc biểu tình OVD-Info độc lập cho hay, họ đã ghi nhận các vụ giam giữ ở 32 thành phố khác nhau, từ St Petersburg đến Siberia. Trước đó, tổ chức này thống kê, ít nhất 1.310 người biểu tình đã bị tạm giữ, trong khi nhiều người đã phải nhận giấy gọi nhập ngũ. 

Một số đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát đã thô bạo dồn người biểu tình vào một chiếc xe buýt hoặc xe cảnh sát.

Theo hãng tin địa phương Kavkaz Realii, hơn 70 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối việc huy động ở Makhachkala, thủ phủ khu vực của Dagestan. Lực lượng an ninh đã sử dụng súng gây choáng, dùi cui và bình xịt hơi cay nhằm vào người biểu tình.

Minh Ngọc (Theo Reuters)