Trung Quốc và Iran đang tăng cường thuê các nhà điều tra tư nhân để giám sát và theo dõi những người bất đồng chính kiến đang ​​​sinh ​sống một cách hợp pháp tại Hoa Kỳ, theo một báo cáo hôm thứ Hai từ New York Times (NYT).

Nhiều công dân bỏ chạy khỏi các chế độ độc tài toàn trị này để tới Hoa Kỳ, và ở hoàn cảnh có được tự do hơn về ngôn luận, họ công khai chỉ trích chính quyền cũ của mình. Điều đó khiến họ trở thành mục tiêu của chính quyền cũ. Giới chức Liên bang Hoa Kỳ đã xác định có những trường hợp thuộc loại này, mà trong đó cơ quan tình báo nước ngoài thuê các nhà điều tra tư nhân làm việc cho họ ở New York, California và Indiana, nhưng mà nhà điều tra không được biết tình huống chân thật, theo tờ Times đưa tin.

Ví dụ một điều tra viên, ông Michael McKeever, được thuê để làm một việc có vẻ rất bình thường là giám sát một người đang nợ tiền ở Dubai. Nhưng trên thực tế, mục tiêu là nhà báo Masih Alinejad, một phụ nữ Iran đã chỉ trích gay gắt chế độ độc tài ở quê hương mình.

Thời điểm đó các đặc vụ FBI cũng đang giám sát bà, vì đó là một phần của cuộc điều tra và phá án Iran mưu đồ xuyên quốc gia định bắt cóc người người phụ nữ này.

“Khách hàng của ông không phải như ông nghĩ đâu”, một đặc vụ đã bảo cho ông McKeever biết, theo NYT. “Họ là kẻ xấu, động cơ của họ rất không tốt”.

Trung Quốc cũng có những hoạt động tương tự. Theo các báo cáo, Trung Quốc đã mời một cựu sĩ quan NYPD trở thành điều tra viên tư nhân, nhưng thực tế đó là nằm trong mưu đồ cưỡng ép một người đàn ông đang ở New Jersey trở về Trung Quốc.

Trung Quốc còn có cả biện pháp thô ráp hơn để đàn áp công dân đang sinh sống hợp pháp ở nước khác, ví như họ thiết lập hàng chục cái gọi là “trạm dịch vụ cảnh sát hải ngoại”, được biết đến với cái tên “đồn công an 110”, ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Về vấn đề này, theo báo cáo tháng trước của Safeguard Defenders, một cơ quan giám sát nhân quyền, thì các trạm cảnh sát đó tỏ vẻ như đang nhắm vào những nghi phạm về các tội như tội lừa đảo trong khi các nghi phạm này ở ngoài Trung Quốc, nhưng  trên thực tế các trạm đó đã “thuyết phục” khoảng 230.000 công dân quay trở lại Trung Quốc.

“[Trung Quốc] làm như vậy là né tránh phương thức hợp tác song phương chính thức về phương diện cảnh sát và tư pháp, và cách làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời có thể vi phạm nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ vì họ thiết lập theo cách bất hợp pháp một cơ chế kiểm soát song song về chức năng với cơ chế của cảnh sát chính thống nơi bản địa”, cũng theo Safeguard Defenders.

Phần nhiều các đồn công an 110 là ở Châu Âu, có 4 đồn ở Bắc Mỹ: 3 đồn ở Toronto Canada và 1 đồn ở New York Hoa Kỳ. Trong một báo cáo cũng của Safeguard Defenders thì Trung Quốc tuyên bố họ có đến 54 đồn công an như vậy ở hải ngoại.

Thiên Đức (Theo Foxnews)