Hôm 7/1, Iran đã treo cổ 2 người đàn ông với cáo buộc giết một thành viên của lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình trên khắp đất nước sau cái chết của cô Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi người Kurd gốc Iran.

Embed from Getty Images

(Người Iran ở nước ngoài phản đối các vụ hành quyết gần đây/Ảnh: Getty Images)

Hai người đàn ông bị hành quyết hôm 7/1 vì lý do giết một thành viên của lực lượng quân dân bán quân sự Basij. 3 người khác cũng bị kết án tử hình trong cùng vụ việc, trong khi có 11 người nhận án tù.

Hãng thông tấn chính thức IRNA đăng tải một tuyên bố của cơ quan tư pháp Iran: “Mohammad Mehdi Karami và Seyyed Mohammad Hosseini, thủ phạm chính của tội ác dẫn đến cái chết oan uổng của Ruhollah Ajamian đã bị treo cổ sáng nay.”

Vụ treo cổ mới nhất nâng tổng số người biểu tình được biết là đã bị hành quyết lên 4 người sau tình trạng bất ổn ở Iran.

Vào tháng trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định chính quyền Iran đang tìm kiếm ít nhất 26 người khác cho án tử hình trong các phiên tòa mà Tổ chức này gọi là “giả mạo” và “được lập ra để đe dọa những người biểu tình trong cuộc nổi dậy của quần chúng đã làm rung chuyển đất nước.”

Tổ chức này cho biết tất cả những người đối mặt với án tử hình đã bị từ chối quyền bào chữa thích đáng và tiếp cận với các luật sư theo ý họ. Thay vào đó theo các nhóm nhân quyền, các bị cáo phải phụ thuộc vào luật sư do nhà nước chỉ định và những người này hầu như không làm gì để bào chữa cho họ.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tòa án Iran đã kết tội anh Karami, nhà vô địch karate 22 tuổi, dựa trên những lời thú tội bị ép buộc.

Ông Ali Sharifzadeh Ardakani, luật sư của anh Hosseini, đăng trên Twitter vào ngày 18/12 rằng anh Hosseini đã bị tra tấn dã man và những lời thú tội được khai trong quá trình tra tấn không có cơ sở pháp lý.

Ông cho biết anh Hosseini bị tra tấn trong lúc tay và chân bị trói chặt, bị đá vào đầu cho đến khi bất tỉnh và bị ‘sốc điện’ vào các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

Iran phủ nhận việc những lời thú tội được khai trong quá trình tra tấn.

Cô Mahsa Amini chết trong lúc bị giam giữ vào tháng 9 sau khi bị các cảnh sát đạo đức bắt giữ vì vi phạm các quy định khắc nghiệt về trang phục. Những cuộc biểu tình diễn ra sau đó là một trong những thách thức lớn nhất đối với Cộng hòa Hồi giáo kể từ khi thành lập vào năm 1979.

Theo truyền thông nhà nước đưa tin, hôm 7/1, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran đã bổ nhiệm quan chức cảnh sát theo đường lối cứng rắn Ahmad Reza Radan làm người đứng đầu đội cảnh sát quốc gia mới.

Ông Radan, người bị Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2010 vì vi phạm nhân quyền, đã thường xuyên kêu gọi thực thi nghiêm ngặt quy định về trang phục Hồi giáo của Iran đối với phụ nữ trong khi đảm nhận các vị trí cảnh sát trước đây.

Lực lượng Basij, bên liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng đầy quyền thế của Iran, đứng đằng sau phần lớn các cuộc đàn áp người biểu tình.

Iran đã đổ lỗi tình trạng bất ổn của đất nước cho các ‘kẻ thù ngoại quốc’ bao gồm cả Hoa Kỳ, đồng thời coi việc đàn áp các cuộc biểu tình là bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tính đến ngày 6/1, nhóm nhân quyền HRANA thống kê có 517 người biểu tình đã thiệt mạng, trong đó có 70 trẻ vị thành niên, ngoài ra có 68 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã bị giết.

Có đến 19.262 người biểu tình được cho là đã bị bắt giữ.

Theo các quan chức Iran, có 300 người, bao gồm cả các thành viên của lực lượng an ninh, đã thiệt mạng.

Người biểu tình đầu tiên bị hành quyết được biết đến là anh Mohsen Shekari, 23 tuổi. Anh bị giết vào ngày 8/12, chưa đầy 3 tháng sau khi bị bắt. Anh Shekari bị buộc tội đốt thùng rác, chặn đường, đâm một thành viên của lực lượng dân quân Basij bằng dao và đe dọa an toàn công cộng.

Vy An (Theo Reuters)