Một dự thảo nghị quyết yêu cầu 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) phải biện minh cho việc sử dụng quyền phủ quyết của họ sẽ được đưa ra tranh luận tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào thứ Ba (19/4).

Embed from Getty Images

Ý tưởng cắt giảm việc sử dụng quyền phủ quyết của các thành viên thường trực không mới, nhưng nó đã được nhen nhóm lại sau cuộc xâm lược gần đây của Nga vào Ukraine.

Quyền phủ quyết của Moscow đã cho phép nước này làm tê liệt các hoạt động trong Hội đồng Bảo an, vốn là cơ quan có quyền can thiệp vào các cuộc xung đột để bảo đảm cho hòa bình toàn cầu, theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo đề xuất mới, Đại hội đồng LHQ sẽ triệu tập 193 thành viên “trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi một hoặc nhiều thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đưa ra quyền phủ quyết, để tổ chức một cuộc tranh luận về tình hình mà quyền phủ quyết đã được thực hiện”.

Nghị quyết Liechtenstein được đồng tài trợ bởi khoảng 50 quốc gia và sẽ là chủ đề của cuộc bỏ phiếu sắp tới. Đáng lưu ý, trong 5 thành viên thường trực của HĐBA, chỉ có Hoa Kỳ đồng bảo trợ cho đề xuất này. Bốn thành viên còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh không có tên trong danh sách các quốc gia bảo trợ. 

Hội đồng Bảo an cũng có 10 thành viên không thường trực và không có quyền phủ quyết.

Trong số các nhà đồng bảo trợ đã cam kết bỏ phiếu cho đề xuất này có Ukraine, Nhật Bản và Đức. Nhật và Đức đang hy vọng có được ghế thành viên thường trực trong một Hội đồng Bảo an mở rộng.

Theo một nhà ngoại giao, ngay cả khi nước này không tài trợ cho văn bản, Pháp sẽ bỏ phiếu ủng hộ, AFP đưa tin.

Kể từ lần phủ quyết đầu tiên – được Liên Xô sử dụng vào năm 1946 – Moscow đã áp dụng nó 143 lần, nhiều hơn hẳn Hoa Kỳ (86 lần), Anh (30 lần) hay Trung Quốc và Pháp (18 lần).

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về xu hướng đáng xấu hổ của Nga khi lạm dụng đặc quyền phủ quyết của họ trong hai thập kỷ qua”.

Bà nói thêm, việc thông qua Nghị quyết Liechtenstein sẽ là một bước quan trọng đối với trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và trách nhiệm của tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Pháp, quốc gia sử dụng quyền phủ quyết lần cuối vào năm 1989, đã đề xuất vào năm 2013 rằng các thành viên thường trực hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết của họ trong trường hợp có hành động tàn bạo trên diện rộng.Đề xuất này được đồng bảo trợ bởi Mexico và có khoảng 100 quốc gia ủng hộ, nhưng cho đến nay nó vẫn bị đình trệ. 

Lê Vy (theo AFP)