Ngày 4/2, Nhà Trắng cho biết, chính quyền Biden đang cân nhắc việc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu của Nga, cũng như các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đến nguồn cung và người tiêu dùng toàn cầu, trong khi các nhà lập pháp đang muốn giới thiệu một dự luật cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi đang tìm cách giảm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời đảm bảo vẫn đáp ứng nhu cầu cung cấp toàn cầu.” Hiện Nhà Trắng vẫn duy trì liên lạc với các nhà lập pháp Hoa Kỳ về vấn đề này, bà cho hay.

Ngày 3/3, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin, một đảng viên Dân chủ Tây Virginia và bà Lisa Murkowski, một đảng viên Cộng hòa Alaska đã đề xuất dự luật lưỡng đảng cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, gọi đây là biện pháp chống lại việc Nga “vũ khí hóa” năng lượng.

Dự luật đang được thúc đẩy nhanh chóng tại Thượng viện. Tuy nhiên, Nhà Trắng có thể xem xét một cách thận trọng bởi lo ngại sẽ dẫn đến các đợt tăng giá dầu, từ đó dẫn đến lạm phát cao kéo dài hàng thập kỷ.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được hoàn thành vào ngày 4/3, đa số lưỡng đảng cho rằng Hoa Kỳ nên ngừng mua dầu của Nga. Khoảng 80% người Mỹ, gồm đa số người ủng hộ đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng ủng hộ biện pháp này. 

Tính đến nay, người Mỹ vẫn là nhóm người tiêu thụ xăng nhiều nhất thế giới, với đa số các phương tiện vận tải cỡ lớn, quãng đường lái xe dài và ít phương tiện giao thông công cộng ở nhiều khu vực. Thậm chí có thể nói, giá xăng tăng chính là liều thuốc độc chính trị đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. 

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trong năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm thô và dầu tinh chế mỗi tháng từ Nga, chiếm khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse lưu ý, mặc dù Hoa Kỳ không nhập khẩu nhiều dầu của Nga nhưng họ vẫn đang xem xét một loạt các bước có thể thực hiện.

Bà Rouse nhấn mạnh: “Điều thực sự quan trọng nhất là chúng tôi duy trì một nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định. Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn mà chúng tôi có thể thực hiện ngay bây giờ nếu định cắt giảm việc tiêu thụ năng lượng của Nga.”

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Bharat Ramamurti lại nhận định: “Trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Nga tại thời điểm này có thể tác động đến người tiêu dùng Mỹ và trên thực tế có thể phản tác dụng khi xét đến khả năng giá dầu khí gia tăng trên thị trường quốc tế, điều có thể giúp ngành dầu mỏ của Nga có thêm lợi nhuận.” 

Minh Ngọc (Theo Reuters)