Do lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở Trung Quốc bùng phát mạnh có thể gây ra đột biến virus, Hoa Kỳ đang xem xét tiến hành xét nghiệm nước thải từ các chuyến bay quốc tế nhằm truy tìm biến thể mới của COVID-19. 

shutterstock 340124867
(Nguồn: Matej Kastelic/ Shutterstock)

Reuters đưa tin, bà Kristen Nordlund, phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cho biết trong một email rằng phân tích nước thải máy bay là một trong những phương pháp mà CDC Hoa Kỳ đang xem xét, nhằm làm chậm sự lây lan của các chủng virus mới từ các quốc gia khác vào Hoa Kỳ.

Bà viết: “Việc giám sát nước thải COVID-19 trước đây được chứng minh là một công cụ có giá trị, và việc giám sát nước thải của máy bay có thể là một sự lựa chọn.”

Vào đầu tuần này, Hoa Kỳ đã thông báo rằng bắt đầu từ ngày 5/1, hành khách nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm COVID âm tính. Vào thứ Tư (28/12), CDC cũng liệt kê việc du lịch đến Trung Quốc vào cảnh báo cấp 2.

Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói với Reuters rằng họ không tin việc nâng cấp các hạn chế nhập cảnh ở nhiều quốc gia có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của các biến thể mới của COVID.  Việc xét nghiệm nước thải từ các chuyến bay quốc tế có thể là một giải pháp tốt hơn để theo dõi, và làm chậm quá trình xâm nhập của virus vào Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng cho đến nay, các hạn chế đi lại như sàng lọc bắt buộc vẫn chưa thể ngăn chặn đáng kể sự lây lan của virus, nhưng từ quan điểm chính trị, những biện pháp này dường như là cần thiết.

“Đóng cửa biên giới hoặc xét nghiệm biên giới không thực sự tạo ra sự khác biệt. Làm vậy có lẽ sẽ làm chậm sự lây lan của virus được vài ngày.” Ông nói, vì virus có thể lây lan ở nơi khác, lây nhiễm sang người ở châu Âu hoặc các nơi khác, họ có thể mang virus sang Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Eric Topol, chuyên gia về bộ gen kiêm Giám đốc của Viện Nghiên cứu Scripps (TSRI) ở La Jolla (California), cho biết nước thải từ các chuyến bay có thể cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về con đường đột biến của virus. Điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là nâng cấp chiến lược giám sát của mình, “bởi vì Trung Quốc không muốn chia sẻ dữ liệu di truyền của mình”.

Tháng 7 năm nay, các nhà nghiên cứu Pháp công bố báo cáo cho thấy vào tháng 12/2021, họ tìm thấy chủng đột biến Omicron trong nước thải của 2 chuyến bay thương mại bay từ Ethiopia đến Pháp. Hành khách được yêu cầu xét nghiệm axit nucleic trước khi lên máy bay, những người có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép lên máy bay.

Cùng tháng đó, biến thể của các chủng Alpha, Delta, Epsilon và Omicron đã được tìm thấy trong mẫu nước thải cộng đồng ở San Diego (California) sớm hơn so với thời gian chúng bắt đầu xuất hiện trong mũi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do (RFA), ông J.Stephen Morrison, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết:  “Việc này sẽ mất một thời gian. Điều này không giải quyết được tất cả các vấn đề, và không có giải pháp hiệu quả đặc biệt. Nó sẽ tăng khả năng hiển thị, nhưng không thể thay thế những gì cần phải làm là khiến Chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách và chia sẻ thông tin cởi mở hơn.”

Về chương trình giải trình tự bộ gen tự nguyện ở Hoa Kỳ thu thập thông tin xét nghiệm dương tính tại 7 sân bay, các chuyên gia cũng cho rằng quy mô mẫu nhỏ như vậy là vô nghĩa.

Kết quả khảo sát tỷ lệ lây nhiễm do các tỉnh của Trung Quốc công bố bị nghi ngờ

Theo Chinanews.com, ngày 29/12 trong một bài giảng video, ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) – Giám đốc Trung tâm Y học Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Trung Quốc, chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm hiện nay ở Trung Quốc rất cao, ở nhiều thành phố lớn vượt quá 50%, và sẽ đạt 80% trong dịp Tết Nguyên đán. Ông bày tỏ lo ngại về làn sóng về quê ăn Tết, và kêu gọi giảm tụ tập hơn 100 người trong dịp lễ.

Ông cho rằng việc Trung Quốc nới lỏng công tác phòng chống dịch hiện nay là phù hợp với xu hướng toàn cầu, và dịch bệnh hiện nay đang thay đổi, hoặc đã chuyển từ bùng phát toàn cầu thành dịch bệnh địa phương.

Ông Tằng Quang (Zeng Guang) – cựu nhà khoa học trưởng về dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, cũng chỉ ra rằng sự lây lan của làn sóng Omicron này nằm ngoài sức tưởng tượng, ông ước tính hơn 80% người dân ở Bắc Kinh đã bị nhiễm bệnh.

Ngày 30/12, The Paper đưa tin rằng trong 2 tuần qua, hơn chục CDC cấp tỉnh đã mở cuộc điều tra về tình hình COVID. Tỷ lệ lây nhiễm ước tính đạt 50% ở tỉnh Hải Nam, từ 30% – 35% ở thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, và cao tới 63,52% ở tỉnh Tứ Xuyên.

Bà Nhậm Thụy Hồng, cựu Giám đốc dự án cứu trợ bệnh hiểm nghèo của Tổ chức Chữ thập đỏ Trung Quốc, nói với RFA rằng số liệu lây nhiễm thực tế chắc chắn sẽ cao hơn những con số được công bố.

Bà nói: “Công bố một số ‘tin tức bị nhiễm’ (tin tức dịch bệnh) trên Sina và Chinanews.com. Tôi đã xem rồi, đó là tuyên truyền. Dữ liệu này chỉ để cho những người tham gia cảm thấy rằng dữ liệu của họ đã được thu thập. Họ sử dụng cách này chính là công bố một giá trị tương đối được mọi người chấp nhận.”

Trước sự leo thang của các hạn chế nhập cảnh ở nhiều quốc gia nhằm đối phó với dịch bệnh ở Trung Quốc, ngày 29/12, Thời báo Hoàn cầu – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã đăng bài cáo buộc các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc là “vô căn cứ” “phân biệt đối xử”.

Ngày 29/12, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tweet rằng do thông tin không minh bạch của Trung Quốc, việc một số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế là điều “có thể hiểu được”. Ông cũng cho biết WHO cần thêm thông tin chi tiết để tiến hành đánh giá rủi ro toàn diện về xu hướng dịch bệnh ở Trung Quốc.