Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông “không thốt nên lời” sau vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe hôm thứ Sáu (8/7), đồng thời cam kết, nền dân chủ của Nhật Bản sẽ “không bao giờ khuất phục trước bạo lực”.

Embed from Getty Images

“Tôi đã cầu nguyện rằng cho tính mệnh của ông ấy sẽ được cứu, nhưng bất chấp điều đó, tôi vẫn phải nghe về (cái chết của ông ấy),” ông Kishida xúc động nói với các phóng viên.

“Thật sự rất đáng tiếc. Tôi không nói nên lời. Tôi xin chân thành chia buồn và cầu mong linh hồn ông ấy được yên nghỉ.”

Ông Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, từ chức vào năm 2020 vì lý do sức khỏe, đã bị bắn chết khi đang vận động tranh cử ở khu vực phía Tây Nara trước cuộc bầu cử thượng viện vào ngày 10/7 sắp tới.

“Trong giai đoạn bầu cử này, một hành động đê hèn và man rợ đã cướp đi sinh mạng của cựu thủ tướng Abe. Đây là điều không thể tha thứ. Chúng tôi một lần nữa lên án hành động đó bằng những ngôn từ mạnh mẽ,” ông Kishida nhấn mạnh.

Ông Kishida, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền mà ông Abe từng là thành viên cho hay, hoạt động bầu cử sẽ tiếp tục với “các biện pháp đầy đủ và triệt để” nhằm đảm bảo an toàn.

Ông tuyên bố: “Chúng ta phải tuyệt đối bảo vệ các cuộc bầu cử tự do và công bằng, vốn là nền tảng của dân chủ. Chúng ta sẽ tiến hành chiến dịch bầu cử của mình vào ngày mai theo kế hoạch, với niềm tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ khuất phục trước bạo lực.”

Ông Kishida cho biết thêm, ông Abe đã “đảm nhận trách nhiệm nặng nề trên cương vị thủ tướng trong 8 năm 8 tháng”.

“Ông ấy đã dẫn dắt đất nước đối mặt với tình hình khó khăn cả trong nước và quốc tế, thông qua khả năng lãnh đạo và điều hành xuất sắc của mình.”

Ông Abe giữ chức thủ tướng trong một năm vào năm 2006, và một lần nữa từ năm 2012 – 2020, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của đất nước trong vai trò đó. Ông từ chức vào năm 2020, với lý do phải chống chọi lâu dài với căn bệnh viêm loét đại tràng. Nhưng ông vẫn là một nhân vật nổi bật trong chính trường Nhật Bản và quốc tế trong suốt 2 năm sau khi từ chức lần thứ hai.

Ông được biết đến với chính sách đối ngoại diều hâu và chiến lược kinh tế đặc trưng mà người ta thường gọi là “Abenomics”. Ông Abe cũng nhà lãnh đạo lâu năm của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ. Đảng này trong nhiều năm đã ủng hộ Nhật Bản nâng cao vị thế của mình như một cường quốc quốc phòng, bao gồm cả khả năng thành lập quân đội. Nhật Bản không có lực lượng vũ trang – chỉ là “Lực lượng Phòng vệ” theo hiến pháp sau Thế chiến II.

Ông Abe qua đời vào ngày 8/7 sau khi một sát thủ, được xác định là Yamagami Tetsuya, bắn hai phát súng bằng một khẩu súng ngắn tự chế. Báo chí Nhật Bản đưa tin, Yamagami đã thú nhận hành vi phạm tội nhưng khẳng định không có “mối thù chính trị” với cựu thủ tướng.

Trên thực tế, Nhật Bản có một số luật kiểm soát súng khắc nghiệt nhất thế giới, và những ca tử vong hàng năm vì súng ở đất nước 125 triệu dân này thường là những con số đơn lẻ.

Để có được giấy phép sử dụng súng là một quá trình lâu dài và phức tạp đối với công dân Nhật Bản. Những người này trước tiên phải nhận được sự giới thiệu từ một hiệp hội bắn súng và sau đó phải trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của cảnh sát.

Ông Corey Wallace, một trợ lý giáo sư tại Đại học Kanagawa, người thường xuyên tập trung vào các vấn đề chính trị Nhật Bản nhìn nhận, vụ việc này gợi lại vụ ám sát năm 1960 đối với Inejiro Asanuma, lãnh đạo Đảng Xã hội Nhật Bản.

Ông lưu ý thêm, các chính trị gia và cử tri Nhật Bản đã quen với phong cách vận động tranh cử cá nhân và gần gũi. “Điều này thực sự có thể thay đổi,” ông nhận xét.

Minh Ngọc (Theo AFP)