Theo một thông báo hôm 18/4 của Thụy Sĩ, tổng chưởng lý Thụy Sĩ đã đệ trình bản cáo trạng với ông Ousman Sonko, cựu bộ trưởng nội vụ Gambia, vì tội ác chống lại loài người diễn ra dưới thời nhà lãnh đạo độc tài Yahya Jammeh.

Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ cho biết, ông Sonko bị cáo buộc đã hỗ trợ, tham gia và không ngăn chặn “các cuộc tấn công phổ biến và có hệ thống” như một phần trong chiến dịch đàn áp của lực lượng an ninh Gambia đối với các đối thủ của Tổng thống Jammeh.

Luật sư của ông Sonko chưa đưa ra bình luận về vụ việc.

Ông Sonko từng là bộ trưởng nội vụ Gambia từ năm 2006 đến năm 2016, trước khi ông trốn sang Thụy Điển và từ đó đến Thụy Sĩ, nơi ông xin tị nạn.

Cựu bộ trưởng nội vụ Gambia đã bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt vào tháng 1/2017 sau khi Trial International, một tổ chức pháp lý đặt tại Geneva, đệ trình đơn khiếu nại theo nguyên tắc tài phán phổ quát cho phép Thụy Sĩ truy tố những tội ác nghiêm trọng nhất bất kể chúng được thực hiện ở đâu.

Ông Sonko đã bị giam giữ tại Thụy Sĩ kể từ đó.

Vụ án sẽ được Tòa án Hình sự Liên bang Thụy Sĩ xét xử vào một ngày chưa xác định. Đây sẽ là phiên tòa xét xử tội ác chống lại loài người thứ hai của đất nước này.

Ông Philip Grant, giám đốc điều hành của TRIAL International, bày tỏ: “Chúng tôi rất hài lòng vì việc này đang được tiến hành.”

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng việc này sẽ tạo ra động lực và phiên tòa sẽ gây áp lực lên Guinea Xích Đạo để cuối cùng dẫn độ [Cựu Tổng thống] Jammeh.” Cựu tổng thống Gambia đã trốn sang Guinea Xích Đạo sau cuộc khủng hoảng chính trị vào năm 2017.

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Gambia đã hoan nghênh bản cáo trạng.

Cảnh sát trưởng Mohammed Kijera từ Trung tâm Nạn nhân của Vi phạm Nhân quyền Gambia nhận định, bản cáo trạng đã tạo tiền lệ cho chính Phủ Gambia “chịu trách nhiệm đưa [Cựu Tổng thống] Yahya Jammeh và tay sai của ông ấy ra trước công lý.”

Ông Madi Jobarteh, một nhà hoạt động nhân quyền, ca ngợi bản cáo trạng: “Hôm nay chúng tôi vui mừng vì cuối cùng công lý đã trừng phạt một trong những thủ phạm chính chống lại người Gambia, mà những nạn nhân của họ tiếp tục sống trong đau đớn và khốn khổ.”

Gambia, một quốc gia Tây Phi nhỏ bé với 2,5 triệu dân, vẫn đang quay cuồng sau hơn hai thập kỷ dưới thời Cựu Tổng thống Jammeh, một chế độ độc tài và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, ông Jammeh đã phủ nhận các cáo buộc về hành vi sai trái của ông.

Gia Huy (Theo Reuters)