Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 8/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 614.582 ca mắc COVID-19 mới và 6.531 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 252.974.959 ca, trong đó có khoảng 4.942.756 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Panorama Images/Shutterstock)

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 8/12, thế giới có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 65.000 ca), trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với khoảng 1.200 ca.

Anh ghi nhận hơn 560 ca nhiễm Omicron

Trước tình hình trên, các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp nhằm gia tăng sự phối hợp giữa các nước thành viên trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 8/12, Anh đánh dấu 1 năm kể từ khi người đầu tiên tại nước này và cũng là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech trong chương trình tiêm chủng đại trà, đồng thời kêu gọi người dân tiêm mũi bổ sung ngay khi đủ điều kiện.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nêu bật thành công ban đầu mà nước này đạt được trong việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, nhấn mạnh đó là lý do tại sao Anh có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 7 vừa qua. Ông đồng thời kêu gọi tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vắc-xin bổ sung với quy mô tương tự như chiến dịch tiêm chủng ban đầu trước lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.

Hà Lan: Omicron có thể trở thành biến thể thống trị

Giới chức y tế Hà Lan cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này trong thời gian tới, căn cứ trên những báo cáo về hiện trạng lây lan của biến thể này tại nhiều nước, trong đó có Nam Phi và Anh. Hà Lan đã xác nhận có thêm 18 ca nhiễm Omicron.

Pháp công bố biện pháp hạn chế dịch bệnh mới

Để đối phó với làn sóng dịch mới này, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát tại các khu vực công cộng, các quán cà phê, nhà hàng, hay kêu gọi duy trì việc tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, chính phủ Pháp đã công bố một số biện pháp hạn chế mới bao gồm tăng cường quy trình kiểm soát y tế tại trường học và công sở, đóng cửa các câu lạc bộ đêm, hoãn các sự kiện lớn trong vòng 4 tuần và tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng liều bổ sung.

Chính phủ cũng quyết định quy trình y tế sẽ được nâng lên cấp độ 3 tại các trường tiểu học và kể từ ngày 9/12, việc đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc không chỉ trong lớp học mà cả tại các sân chơi. Các môn thể thao đồng đội cũng sẽ bị hạn chế, trong khi việc sử dụng đồ uống trong căng tin được khuyến cáo giới hạn.

Đức ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Đức ngày 8/12 ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ tháng 2 trong bối cảnh nước này đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch thứ 4. Viện Robert Koch cho biết có thêm 527 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi vì đại dịch tại Đức lên 104.047 ca. Ngoài ra, với thêm 69.601 ca mắc COVID-19, nhiều hơn 2.415 ca so với một tuần trước, tổng số ca mắc hiện lên tới 6.270.761 ca. Tuy vậy, tỷ lệ số ca nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày qua đang tiếp tục giảm, từ mức 432 ca trong ngày 7/12 xuống 427 ca trong ngày 8/12.

Hàn Quốc: Tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp 

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum đánh giá số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus. Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng là “rất cấp bách”. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với ngành y tế để bổ sung giường bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), nơi hiện chiếm 80% số ca nhiễm mới trên cả nước.

Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý thêm rằng vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin mũi thứ 3 cho người cao tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) vì thực tế cho thấy số ca nhiễm mới là người trên 60 tuổi chiếm 35% và 84% bệnh nhân COVID-19 nặng cũng là những người trên 60 tuổi.

Các cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ củng cố hệ thống điều trị tại nhà bằng cách mở rộng nhân sự hỗ trợ hành chính ở từng thành phố, quận, huyện cũng như mở rộng cơ sở y tế quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà từ cấp bệnh viện đến các trung tâm y tế.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: