Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 11/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19 mới và 5.100 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 403.973.490 ca, trong đó có khoảng 5.552.495 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par bmszealand/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (282.987 ca), Đức (245.342 ca) và Anh (72.828 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (777 ca), Nga (674 ca) và Brazil (409 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 992.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 515.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 29,3 triệu ca mắc và trên 654.000 ca tử vong.

Mỹ: Đeo khẩu trang giúp giảm 72% số ca mắc tại trường học

Theo nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) tài trợ, những trường học bắt buộc đeo khẩu trang trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta có số ca lây nhiễm tại trường ít hơn 72% so với những trường áp dụng chủ trương đeo khẩu trang trong một số trường hợp nhất định hoặc trên cơ sở tự nguyện.

Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 1,1 triệu học sinh và hơn 157.000 nhân viên giáo dục trực tiếp đến trường tại các trường ở 9 tiểu bang. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian Delta còn là biến thể chủ đạo và không thu thập dữ liệu tại các trường yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan của biến thể Omicron. Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng ngừa quan trọng vào những thời điểm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao với sự xuất hiện của những biến thể có khả năng lan nhanh, chẳng hạn như Omicron.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ gần đây đã cập nhật quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác, khi đánh giá mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng. CDC đã khuyến nghị đeo khẩu trang trong không gian kín ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao trong cộng đồng và đưa ra những biện pháp phòng dịch tương tự cho môi trường học đường.

Trong nghiên cứu này, phần lớn các ca mắc COVID-19 trong học sinh và nhân viên các trường là lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ khoảng 10% số ca là nhiễm từ trường học. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 100 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có khoảng 7,3 ca lây nhiễm tại trường ở những học khu bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi có tới 26,4 ca lây nhiễm tại trường ở những học khu cho phép tùy ý lựa chọn đeo khẩu trang. Như vậy, những học khu không bắt đeo khẩu trang có tỷ lệ mắc COVID-19 tại trường cao gấp 3,6 lần so với những nơi việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở trường học. Các số liệu này cũng cho thấy so với những học khu không bắt đeo khẩu trang, quy định bắt buộc đeo đã góp phần giảm 72% số ca mắc COVID-19 tại trường học.

Đức: Hệ thống y tế rơi vào tình trạng nguy cấp do COVID-19

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 11/3 cảnh báo nước này đang rơi vào tình trạng “y tế nguy cấp” mới, khi số ca mắc COVID-19 theo ngày liên tiếp ghi nhận “kỷ lục buồn”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach nêu rõ: “Nước Đức đang ở trong tình trạng nguy cấp, các dịch vụ chăm sóc đặc biệt có thể bị quá tải khi số trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID) đang ngày càng gia tăng”.

Chính phủ Đức dự kiến sẽ chấm dứt việc áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 20/3 tới, trừ một số quy định như đeo khẩu trang hay kiểm tra tiêm chủng tại những điểm nóng trong một số điều kiện nhất định như số ca mắc mới tăng nhanh hoặc xuất hiện một biến thể mới đáng lo ngại. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy Đức đã ghi nhận trên 260.000 ca trong ngày 10/3.

Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 75% dân số đủ điều kiện ở Đức đã tiêm phòng đầy đủ và 57% đã tiêm mũi thứ 3 vắc-xin ngừa COVID-19.

Hàn Quốc ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng cao kỷ lục

Tại Hàn Quốc, sau 2 ngày số ca mắc mới vượt mốc 300.000 ca, ngày 11/3, Hàn Quốc đã ghi nhận 282.987 ca lây nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Tuy số ca mắc giảm, song số ca tử vong tăng ở mức cao kỷ lục với 229 ca.

Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên trách ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định trong thời gian này, ưu tiên hàng đầu của chính phủ là giảm số ca bệnh nặng và tử vong. Để đạt được mục tiêu nói trên, Hàn Quốc cần đảm bảo có đủ giường bệnh và sử dụng hiệu quả nhất số giường bệnh này.

Theo Thủ tướng Kim Boo-kyum, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch rà soát lại hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện có nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả nhất các nguồn lực y tế vốn đang khan hiếm. Nhiều khả năng, từ tuần tới, các bệnh nhân COVID-19 với triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện đa khoa. Ông cũng cho biết thêm các cơ quan y tế sẽ chính thức công nhận kết quả test nhanh COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Pháp tăng trở lại

Cơ quan Y tế quốc gia Pháp ngày 11/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 72.339 ca mắc mới COVID-19 trong 24h qua, tăng mạnh so với con số những ngày trước đó.

Tuy nhiên, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt trong 24 giờ qua giảm so với con số của Thứ Năm tuần trước, trong khi tổng số bệnh nhân đang phải nằm trong các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã giảm từ 2.231 xuống còn 1.928 trong thời gian này. Số bệnh nhân phải nhập viện cũng giảm từ 23.175 xuống còn 21.287 kể từ thứ 5 tuần trước.

Cùng ngày, Viện Pasteur đã công bố đánh giá về tình hình COVID-19 tại khu vực đô thị Pháp, theo đó dự báo tỉ lệ nhiễm virus corona sau khi Pháp dỡ bỏ các hạn chế y tế phòng dịch vào ngày 14/3 sắp tới có thể tăng từ 50% đến 130% so với những tháng trước đó trong năm nay. Viện Pasteur nhận định số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt qua 100.000 ca trong tháng Ba.

Trước đó, Chính phủ Pháp thông báo đến ngày 14/3, Pháp sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực trong nhà, ngoại trừ trên các phương tiện công cộng và các cơ sở y tế. Người dân cũng không cần phải trình chứng nhận đã tiêm vắc-xin tại hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà, ngoại trừ bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc.

Phan Anh (tổng hợp)