Chính quyền Bắc Kinh mượn cớ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi để tạo ra thêm sự căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Điều này đã thu hút sự quan tâm đến từ Quốc hội của các nước khác trong việc tổ chức các chuyến thăm Đài Loan tương tự, Đại sứ Đài Loan tại Mỹ cho biết hôm thứ Tư.

quân dội Dài loan sẵn sàng chống trả trung quốc trung quốc de doạ dài loan khi mỹ thăm Mỹ và Dài Loan 2056330949
Quân đội Đài Loan cho biết đã sẵn sàng cho việc chống trả một cuộc xâm lược bất ngờ từ Bắc Kinh. (Ảnh minh họa: JENG BO YUAN/Shutterstock)

Tòa Bạch Ốc cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “phản ứng thái quá” với chuyến thăm của bà Pelosi vào đầu tháng 8 và sử dụng như một lý do để cố gắng thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan, bằng cách phóng tên lửa qua Đài Loan và tổ chức các cuộc tập trận đe dọa hòn đảo.

Trong khi đó, Trung Quốc tự nhận Đài Loan là lãnh thổ của mình nhưng từ trước đến nay, Đài Loan luôn duy trì nền dân chủ, có Chính phủ, quân đội riêng và chưa bao giờ nằm trong sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Đại diện hàng đầu của Đài Loan tại Washington Hsiao Bi-khim nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Những gì Trung Quốc đang làm là họ đang tạo ra sự quan tâm lớn hơn bao giờ hết khi các chính trị gia đến thăm Đài Loan”.

“Chúng tôi đã thấy kể từ chuyến thăm Quốc hội của bà Pelosi, các quốc gia khác cũng cho thấy sự quan tâm đến vấn đề này”, bà nêu tên Đức, Canada, Vương quốc Anh và Nhật Bản có thể cử phái đoàn đến thăm hòn đảo.

“Nạn nhân của bắt nạt cần những người bạn”, Hsiao nói: “Hành vi của họ đang tạo ra rất nhiều sự chú ý và cảm thông đối với tình hình của chúng tôi”, bà nói về các hành động quân sự của Trung Quốc.

Một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Canada có kế hoạch đến thăm Đài Loan vào tháng 10, Thành viên Đảng Tự do của Quốc hội Canada Judy Sgro cho biết trước đó vào thứ Tư.

Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một Bộ trưởng Litva đã đến thăm Đài Loan vài ngày sau chuyến đi của bà Pelosi.

Khi được hỏi liệu Đài Loan có hoan nghênh chuyến thăm của một Chủ tịch Đảng Cộng hòa nếu đảng này nắm quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ hay không, bà Hsiao nói: “Chúng tôi đã cởi mở trong nhiều thập kỷ với các phái đoàn quốc hội, và điều đó áp dụng cho các thành viên của bất kỳ đảng nào”.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình và xem các chuyến thăm của các quan chức nước khác đến Đài Loan là gửi một tín hiệu đáng khích lệ đến phe ủng hộ độc lập của hòn đảo. Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ có người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của họ.

Bà Pelosi đã nói rằng chuyến thăm của bà là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc không thể ngăn cản các nhà lãnh đạo thế giới đến hòn đảo này.

Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc theo luật pháp Mỹ để cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ, một thực tế lâu đời dù sao cũng khiến Trung Quốc tức giận.

“Đây là động thái làm thay đổi hiện trạng. Đây là động thái tạo ra căng thẳng”, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương nói với các phóng viên hôm thứ Ba khi được hỏi về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trong tương lai.

Đài Loan trước đây đã nói về các vấn đề tiếp cận một số vũ khí mà họ có theo đơn đặt hàng từ Mỹ, như tên lửa phòng không Stinger vác vai, đặc biệt là trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 tạo ra.

Bà Hsiao cho biết Đài Loan đang phối hợp chặt chẽ các ưu tiên quốc phòng và lịch trình giao hàng với Mỹ, đồng thời các vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp quốc phòng đang được tích cực giải quyết.