Ngày 18/10 cùng lúc 10 tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru, hai nước này tuyên bố đây là cách để duy trì ổn định khu vực. Tuy nhiên có phân tích chỉ ra, hoạt động diễn tập này có thể gây phản tác dụng, làm bùng phát căng thẳng khu vực và khiến Chính phủ Nhật Bản có thêm lý do để tăng chi tiêu quân sự trước nguy cơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

google map 2
Ngày 18/10 tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã cùng đi qua eo biển Tsugaru, nơi ngăn cách đảo chính với đảo Hokkaido của Nhật Bản. Cảnh eo biển Tsugaru (Google Maps / Epoch Graphics).

Chuyến đi này được coi là chuyến tuần tra chung đầu tiên của hải quân Trung Quốc và Nga ở Tây Thái Bình Dương, theo đó 10 tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru ngăn cách đảo chính với đảo Hokkaido của Nhật Bản, sau đó đi dọc theo bờ biển phía đông của Nhật Bản, rồi đi qua eo biển Osumi gần đảo Kyushu ở miền nam Nhật Bản và quay trở lại hướng đất liền Trung Quốc.

Mặc dù cả eo biển Osumi và eo biển Tsugaru đều được coi là vùng biển quốc tế và tàu nước ngoài được phép đi qua, nhưng cuộc diễn tập này khiến Nhật Bản đặc biệt chú ý và giám sát chặt chẽ.

CNN dẫn lời cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Drew Thompson cho biết, “Điều này sẽ củng cố kết luận của Nhật Bản rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể gây ra mối đe dọa đối với Nhật Bản, vì vậy họ phải tự tăng chi tiêu quốc phòng và chuẩn bị đối phó hiệu quả”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (25/10), Bộ Quốc phòng Nhật Bản mô tả cuộc tập trận chung vào tuần trước của Trung Quốc và Nga là “bất thường”.

 

Đảng cầm quyền của Nhật Bản muốn tăng chi tiêu quân sự trước thách thức của ĐCSTQ

Những năm gần đây căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng khi ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền đối với các đảo do Nhật Bản kiểm soát. Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đang gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, thường xuyên huy động máy bay quân sự đến vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Giới chức Nhật Bản luôn kết nối tình hình an ninh của Đài Loan với Nhật Bản, chỉ ra rằng 90% năng lượng của Nhật Bản được nhập khẩu thông qua các khu vực lân cận của Đài Loan.

Đã nhiều lần Nhật Bản đề cập đến tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh eo biển Đài Loan. Vào ngày 5/7, Phó Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Taro Aso tuyên bố rằng cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ có thể đe dọa “sự sống còn” của Nhật Bản, trong trường hợp này thì Nhật Bản sẽ làm việc với Mỹ để bảo vệ Đài Loan.

Tại một cuộc họp gây quỹ chính trị, ông Taro Aso nói rằng việc ĐCSTQ tiếp quản Đài Loan sẽ phá hủy trật tự an ninh ở châu Á trong nửa thế kỷ và gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Nhật Bản vì hòn đảo cực nam của Nhật Bản tiếp giáp với Đài Loan. Ông nói thêm: “Okinawa có thể là mục tiêu tiếp theo”.

Vào cuối tháng 10, Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào Hạ viện, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đưa ra cam kết chưa từng có trong tuyên ngôn bầu cử của mình là tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, tức là tăng ngân sách quốc phòng lên 2% hoặc nhiều hơn nữa của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong những thập kỷ gần đây, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn ở mức khoảng 1% GDP.

Theo Reuters, mặc dù các chuyên gia dự đoán tân Thủ tướng Fumio Kishida có thể không sớm tăng gấp đôi chi tiêu, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy theo thời gian Nhật Bản có thể từ bỏ việc kiểm soát ngân sách quân sự trước đây theo cam kết là 1% GDP trở xuống, nhiều thập kỷ qua cam kết ngân sách quân sự này đã xoa dịu lo ngại cộng đồng quốc tế về sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật Bản.

Phân tích chỉ ra rằng việc tàu chiến của Trung Quốc và Nga đi qua hai cửa khẩu chính của Nhật Bản vào tuần trước chỉ có thể làm tăng cường xu thế ủng hộ trong nước của Nhật Bản đối với việc tăng chi tiêu quân sự.

Sau khi tăng chi tiêu quân sự, Nhật Bản có thể mua thêm thiết bị của Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay đa năng cánh quạt nghiêng Osprey và máy bay trinh sát không người lái, cũng như các thiết bị sản xuất trong nước như tàu đổ bộ, tàu chiến nhỏ gọn, tàu sân bay, tàu ngầm, vệ tinh và thiết bị thông tin liên lạc đến để sẵn sàng cho cuộc chiến đấu kéo dài.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng hy vọng sẽ tài trợ cho việc mua các máy bay chiến đấu tàng hình có thể tấn công các tàu chiến và căn cứ đất liền của đối phương cách xa 1.000 km. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang xây dựng khả năng tác chiến mạng internet, không gian và điện từ.

Trong suốt mùa hè, Hải quân Nhật Bản đã tập duyệt ở Thái Bình Dương với Nhóm tấn công tàu sân bay thứ 21 (CSG21) và các tàu của Hải quân Mỹ do tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh dẫn đầu.

ĐCSTQ luôn bám sát theo dõi chặt những vụ việc như vậy. CNN dẫn lời Alessio Patalano, giáo sư chiến tranh và chiến lược tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (King’s College London), cho biết: “Mùa hè này, Hải quân Mỹ và các đối tác đã cải thiện đáng kể mức độ tương tác ở Tây Thái Bình Dương”. Ông nói: “Đây là một điểm yếu đối với Trung Quốc, vì vậy cuộc tuần tra chung (Trung-Nga) dường như là một phản ứng đáp trả”.

 

Bộ trưởng Hải quân Mỹ cảnh báo về các hoạt động hải quân chung Trung-Nga

Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, đối với tuyên bố của quân đội Trung Quốc và Nga rằng hoạt động quân sự chung vào tuần trước của họ có lợi cho việc duy trì ổn định khu vực, tại một cuộc họp giao ban qua trực tuyến ở Tokyo hôm thứ Hai (25/10), Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro đã đưa ra cảnh báo đối với các hành động chung của Trung Quốc và Nga rằng chớ nên đe dọa các nước khác.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga gần đây có thể đã phát triển thành xu hướng nhằm đe dọa các nước khác thông qua các hành động không tuân thủ trật tự quốc tế”, Del Toro nói.

Del Toro đã gặp gỡ các quan chức chính phủ và quân đội Nhật Bản tại Tokyo.

“Tất nhiên cần phải bằng mọi cách có thể ngăn chặn họ bắt nạt các nước khác và trở thành kẻ xâm lược…. Chúng tôi muốn duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Del Toro nói.  

Ngoài ra ông Del Toro cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ ngăn chặn những hành động khiêu khích như vậy bằng cách tiếp tục nhắc nhở Trung Quốc và Nga tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Theo Lý Nguyên, Epoch Times

Xem thêm: