Tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính của Apple, một lần nữa đã tạm dừng hoạt động tại hai trong số các nhà máy của họ tại thành phố Côn Sơn, Trung Quốc, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt ở các vùng của nước này nhằm ứng phó với biến thể Omicron vào tháng 3.

Embed from Getty Images

Hôm 22/4, thành phố Côn Sơn đã báo cáo 22 ca nhiễm virus corona mới, tăng so với số liệu một con số của tuần trước.

Chính sách zero-COVID mới của Bắc Kinh yêu cầu thực thi các biện pháp kiểm dịch hà khắc, bao gồm cả việc cưỡng chế phong tỏa toàn bộ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi virus, thay vì dựa việc tiêm chủng hàng loạt.

Hàng triệu cư dân trong khu vực hiện đã bị phong tỏa chính thức hoặc bị quản thúc tại gia kể từ khi làn sóng lây nhiễm mới xảy ra vào tháng 3, với số ca nhiễm mới hàng ngày tăng lên hơn 20.000 ca.

Thành phố Côn Sơn với 2,1 triệu dân thuộc tỉnh ven biển Giang Tô ở phía Đông, cách trung tâm công nghệ lớn Thượng Hải khoảng 51km về phía Đông. Thượng Hải đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều tuần.

Thành phố Côn Sơn là nơi có nhiều nhà máy do một số công ty điện tử Đài Loan điều hành.

Thẩm Quyến, được xem là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, đã đặt 17,5 triệu cư dân của mình trong trạng thái cách ly nghiêm ngặt, sau khi ĐCSTQ tuyên bố áp dụng chính sách zero-Covid vào tháng 3.

Tỉnh Quảng Đông ở phía Nam, một trung tâm công nghệ khác của Trung Quốc, cũng áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố trong cùng tháng.

Hai nhà máy của Foxconn đặt tại Dianfa và Fuhong ở phía Bắc của thành phố Côn Sơn, là hai trong bốn cơ sở sản xuất do công ty Đài Loan này điều hành.

Foxconn lần đầu tiên thành lập nhà máy ở Côn Sơn vào năm 1993, sau khi nhận được giấy phép cho phép mở rộng hoạt động sang Đồng bằng Sông Dương Tử, bao gồm thành phố sầm uất Thượng Hải, tỉnh Giang Tô và tỉnh ven biển Chiết Giang.

Kể từ năm 1993, nhà máy của Foxconn ở Côn Sơn đã tạo ra doanh thu tích lũy khoảng 44,6 tỷ đô la cho tập đoàn Đài Loan này.

Tất cả hoạt động tại hai nhà máy này được cho là đã tạm dừng kể từ ngày 20/4 theo lệnh của chính quyền ĐCSTQ sau khi các công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Theo các quan chức dân sự địa phương, hàng chục nghìn công nhân sống trong hai khu ký túc xá ở Côn Sơn đã bị phong tòa nghiêm ngặt.

Mặc dù bị phong tỏa hai ngày sau khi tạm dừng hoạt động ở Thẩm Quyến, nhưng Foxconn vẫn có thể tiếp tục hoạt động bằng cách cách ly các công nhân của mình với xã hội bên ngoài.

Các nhân viên của Foxconn ở Thẩm Quyến được vận chuyển từ các ký túc xá thuộc sở hữu của công ty đến nhà máy và ngược lại để tránh tiếp xúc với những người không phải là công nhân ở bên ngoài và thường xuyên phải xét nghiệm COVID-19.

“Hệ thống vòng khép kín” của Foxconn sau đó đã được triển đến một trung tâm sản xuất khác của công ty này ở Đông Quan.

Đầu tuần trước, các quan chức ĐCSTQ ở Côn Sơn đã đủ tự tin để cho phép 60 công ty mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất của họ. Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ giảm bớt các hạn chế đi lại và cho phép thêm các hoạt động sản xuất khác được tiếp tục trở lại.

Trước đó, chính quyền ở Côn Sơn, giống như các thành phố khác trong khu vực, đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn thành phố trong tháng này do lo ngại biến thể Omicron và khả năng lây lan của virus từ Thượng Hải.

Tuy nhiên, việc nhà máy của Foxconn ở Côn Sơn bị dừng hoạt động đột ngột vào tuần trước đã khiến các công nhân bất ngờ, một cú giáng vào công ty này bởi vì họ đã hy vọng rằng “hệ thống vòng khép kín”  sáng tạo của mình sẽ giúp họ tiếp tục hoạt động

Trong cuộc phỏng vấn với đài Al-Jazeera hôm 25/4, quyền phát ngôn viên của Foxconn Jimmy Huang cho hay, các hoạt động của công ty đang tiếp tục tại nhà máy chính của công ty và họ đang chuyển sản xuất sang các địa điểm khác nhằm giảm nhẹ các chuỗi cung ứng bị suy yếu của công ty.

Ông Huang cho biết: “Do trước đây việc sản xuất đã được triển khai đến các nhà máy dự phòng, các sản phẩm chính của nhà máy được đặt trong các kho vận chuyển ở nước ngoài và lượng hàng tồn kho vẫn đủ, nên ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty là rất hạn chế.”

Apple đang phụ thuộc vào Foxconn để bù đắp cho nguồn cung iPhone và iPad thiếu hụt sau khi hai trong số các nhà cung cấp Đài Loan khác của họ ở Côn Sơn, Pegatron và Compal Electronics, đã tạm dừng hoạt động.

Chuỗi cung ứng của gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn bởi vì hầu hết các nhà cung cấp điện tử chính của họ ở Trung Quốc Đại lục hiện đã ngừng sản xuất.

Chiến lược zero COVID của ĐCSTQ đang làm dấy lên những lo ngại rằng nó sẽ làm suy giảm nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và làm gia tăng lạm phát.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút tiền của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Số cổ phiếu của Trung Quốc do nước ngoài sở hữu trị giá khoảng 7 tỷ đô la đã được bán và rút ra khỏi quốc gia cộng sản này vào tháng 3.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020, với doanh số bán lẻ trên khắp Trung Quốc giảm 2% trong tháng 3, giảm 3,5% so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, lên mức 5,8%.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)