736 học sinh tại huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) sốt phải nghỉ học, theo cập nhật vào ngày 24/10. Trong đó, 109 trẻ vào viện điều trị, một trẻ 8 tuổi đã tử vong.

bac kan gan 700 hoc sinh mot huyen sot chua ro nguyen nhan
Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn hiện quá tải bệnh nhân nhi với triệu chứng sốt. (Ảnh: baobackan.com.vn)

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) ngày 24/10 gửi UBND huyện, toàn huyện có 736/10.687 học sinh phải nghỉ học, trong đó 698 em ốm, sốt; 38 em còn lại nghỉ học vì nhiều lý do như đau chân, đau bụng, gia đình có công việc…

Số học sinh nghỉ học chủ yếu thuộc trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện và rải rác ở một số trường học tại các xã trong huyện.

Sở này cho hay tại thời điểm trên, các trường vẫn tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp, tiến hành vệ sinh phòng dịch phòng học và khuôn viên, cập nhật thông tin qua phụ huynh về tình hình sức khỏe của học sinh

Báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay ổ dịch xuất hiện rải rác hầu như tất cả các xã trong huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10/2022, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Trong tổng số 736 trẻ mắc bênh trong huyện, có 109 trẻ vào viện điều trị, 1 ca tử vong.

Trường hợp tử vong là một bệnh nhi 8 tuổi. Bệnh nhi được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn vào lúc 6h30 sáng 24/10 trong tình trạng sốt cao (40, 50C), hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi tử vong vào 10h30 cùng ngày. Sơ bộ chẩn đoán tử vong do ngừng tuần hoàn – theo dõi sốc nhiễm khuẩn/hôn mê CRNN.

Người nhà bệnh nhi cho hay trước đó cháu đã sốt cao ở nhà trong 2 ngày, đến chiều 23/10 được đưa đi truyền dịch tại một phòng khám tư nhân.

Ngày 26/10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn báo cáo khoa Nhi hiện đã quá tải do mấy ngày qua tiếp nhận nhiều học sinh, trẻ mẫu giáo có biểu hiện ho, sốt. Trước tình trạng nhiều học sinh bị sốt bất thường, Trung tâm đã gửi 7 mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; kết quả ban đầu có 5/7 mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm B, còn 2 mẫu âm tính.

Hiện ngành y tế chưa kết luận nguyên nhân các cháu bệnh, tiếp tục theo dõi và xử trí.

Trước tình trên, chính quyền huyện yêu cầu Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện khuyến cáo các nhà trường không nên hoang mang, khi học sinh có các triệu chứng ốm, sốt cần theo dõi, hoặc đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị; các trường thực hiện việc giãn cách, không tập trung đông người.

Ngành y tế huyện đã tiến hành phun khử khuẩn tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng, nơi có tỷ lệ học sinh nghỉ học do ốm sốt cao.

Bố mẹ, gia đình nên làm gì khi trẻ sốt, sốt cao?

Cuối ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn phát khuyến cáo cách xử trí ban đầu đúng cách khi trẻ sốt, sốt cao và cách phòng tránh co giật do sốt cao.

Theo hướng dẫn của bác sĩ Sầm Hiền, khi trẻ sốt ở mức độ nhẹ và vừa (37,5°C – 38,5°C) thì cơ thể trẻ có thể chịu đựng được. Nhưng nếu trẻ bị sốt cao ở nhiệt độ 39-40°C sẽ trở nên nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm hơn khi sốt cao trong thời gian dài hoặc kèm theo nôn, tiêu chảy (sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn thần kinh, co giật, thiếu ôxy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể hôn mê hoặc tử vong…)

Bác sĩ Hiền cho hay việc xử trí đúng và kịp thời khi trẻ bị sốt cao, trước khi đưa được trẻ đến cơ sở y tế là hết sức cần thiết. Việc xử trí ban đầu được chỉ dẫn như sau:

  • Nhanh chóng cởi bỏ bớt quần, áo, nới rộng tã (với trẻ nhỏ),… để trẻ nằm nơi thoáng mát.
  • Chườm nước ấm vùng trán, nách, bẹn cho trẻ hoặc có thể tắm nhanh cho trẻ trong 5 phút bằng nước ấm. Điều này sẽ giúp làm giảm nhiệt cơ thể nhanh chóng (Nhiệt độ nước chườm có hiệu quả tốt nhất là thấp hơn nhiệt độ sốt của trẻ 2°C).
  • Đồng thời với việc chườm hạ sốt, người lớn cần bù nước và điện giải cho trẻ.

Do trẻ sốt cao, sốt cao kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được bù nước, điện giải đúng, đủ, kịp thời sẽ làm cho tình trạng sốt và mất nước tăng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tốt nhất là cho uống dung dịch oresol.

Những trẻ không có biểu hiện mất nước hoặc mất nước ở mức độ nhẹ vẫn có biểu hiện tỉnh táo, không quấy khóc, không có dấu hiệu mất nước. Trẻ còn uống được thì cho trẻ uống nhiều nước, uống theo nhu cầu.

  • Trẻ nhũ nhi: Tăng số bữa bú trong ngày hoặc bú mẹ theo nhu cầu; bón uống 50ml/lần, uống 2-3 lần trong ngày;
  • Trẻ 2 tháng – 2 tuổi: Bú mẹ theo nhu cầu; Uống 80-100ml/lần, từng ngụm nhỏ, uống 2-3 lần trong ngày hoặc theo nhu cầu của trẻ.
  • Trẻ từ 2 tuổi – 6 tuổi: Uống 100ml/lần, từng ngụm nhỏ, uống 2-3 lần trong ngày hoặc theo nhu cầu của trẻ.
  • Trẻ lớn: Uống từng ngụm theo nhu cầu của trẻ.
  • Với trẻ uống vào lại nôn: Không được cho trẻ uống ngụm lớn mà cần kiên trì bón từng thìa nhỏ, sau mỗi lần nôn khoảng 10 phút lại tiếp tục bón.

Với trẻ biểu hiện mất nước, trẻ sẽ quấy khóc, khát nước, môi khô se,… Nếu kèm theo tiêu chảy thì cần bù nước bằng đường uống cho trẻ với liều: 75ml/kg/trong 4 giờ (bù theo mất nước mức độ trung bình), cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Với trẻ có biểu hiện li bì, hôn mê, trẻ sẽ không uống được, cần đưa trẻ tới cơ sở y tếđể được phải đặt sonde dạ dày nhỏ giọt dung dịch oresol hoặc truyền dịch.

Nguyễn Sơn