Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến năm 2030, trong đó “khuyến khích địa phương tự đề xuất sáp nhập phù hợp thực tiễn”.

trụ sở xã bị bỏ hoang, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Nam
Sau sáp nhập, Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh Lào Cai đầu tư 50 tỷ đồng bỏ hoang. (Ảnh: vov.vn)

Theo báo chí nhà nước, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
.
Theo đó, đến năm 2025, cả nước hoàn thành sáp nhập huyện, xã có dân số và diện tích dưới 70% quy định; huyện diện tích dưới 20%, dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.

Năm 2030, cả nước hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có diện tích và dân số dưới chuẩn; huyện diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là có 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã 5.000-8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Trước đó, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã, qua đó giảm được 8 huyện và 561 xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện; tinh giản 3.595 biên chế cấp xã và 141 biên chế cấp huyện.

tru so la noi nguoi ngien tiem chich
Trụ sở bị bỏ hoang trở thành nơi tiêm chích của những người nghiện. (Ảnh: Vnexpress.net)

Thời gian qua, truyền thông nhà nước liên tục đưa thông tin, hình ảnh về việc nhiều trụ sở, cơ quan, trường học… đầu tư hàng tỷ, chục tỷ đồng tại các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… bị bỏ hoang do sáp nhập. Có những trụ sở biến thành nơi chứa rác, nơi chăn thả bò, nơi để cho người nghiện tiêm chích…

Ngoài ra, sau sáp nhập, nhiều nơi vẫn chưa bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm…

Tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 vào hôm 31/10/2022, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nói lãng phí là vấn nạn Quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. “Công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả”.

Còn Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng “Ở một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2 đến 3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không hoặc chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp còn gặp khó khăn, do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội kém phát triển, giá trị giảm do không nằm ở vị trí trung tâm”.

Minh Long