Mặt trận Tổ quốc cấp cho hay hiện dư 932 tỷ đồng do người dân đóng góp phòng chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), trong đó, cấp trung ương giữ 118 tỷ đồng, cấp địa phương giữ 814 tỷ đồng.

tre mo coi sau covid 19
Hai trẻ mồ côi do mẹ mất do mắc COVID-19 tại TP.HCM, trong hình là Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi. (Ảnh minh họa: molisa.gov.vn)

Sáng 29/10 diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nhắc đến nhiều hình thức chia sẻ trong cộng đồng trong đợt dịch như mô hình cây gạo ATM, ATM Oxy, chợ không đồng, siêu thị không đồng, suất cơm miễn phí…

Tổng số tiền mặt và hiện vật huy động được trong đợt dịch là khoảng 2.900 tỷ đồng đối với MTTQ cấp Trung ương, và khoảng trên 15.000 tỷ đồng đối với MTTQ cấp địa phương.

Với số tiền tiếp nhận của cấp Trung ương, sau khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, khoảng 79% được chuyển về Quỹ vắc-xin do Bộ Tài chính quản lý, còn lại chuyển cho các địa phương để hỗ trợ các lực lượng y tế tuyến đầu.

Bà Hà khẳng định “việc tổ chức kêu gọi, vận động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí”. 

Tuy nhiên, bà Hà lưu ý tại thời điểm xảy ra dịch bệnh chưa có quy định để vận động phòng, chống dịch, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ đề cập đến việc vận động để phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố hiểm nghèo. Ngoài ra nhiều quy định bị vướng mắc như phải mở tài khoản tại kho bạc trong khi kho bạc chỉ đến cấp huyện thì không bảo đảm huy động kịp ở cấp xã cũng như với người Việt ở nước ngoài; các quy định liên quan đến quy trình, như phải họp ban chỉ đạo, trong bối cảnh đó không phải tất cả đều làm được như vậy…, rồi hàng hoá, vật tư, trang thiết bị đa chủng loại, sau đó rất khó xác định quy ra tiền trong thời điểm nhất định.

Vì vậy, sau khi đại dịch lắng xuống, cơ quan kiểm tra Đảng và kiểm toán của Nhà nước đã làm việc và một số nơi đã xảy ra sai sót và đều xuất phát từ những khó khăn tôi vừa đề cập” – bà Hà nói.

Bà Hà đưa ra 2 kiến nghị.

Một là, “đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương không phải thu hồi để nộp về quỹ vắc-xin”. Vì theo bà Hà, đây là khoản các địa phương vận động được và đã chi theo quy định về “4 tại chỗ” nên không thể làm theo kiến nghị của kiểm toán là thu hồi để nộp quỹ vắc-xin.

Hai là, “đối với nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư, ở Trung ương còn dư 118 tỷ đồng, còn ở địa phương còn dư 814 tỷ thì đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về Trung ương theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có nghĩa là sử dụng tiếp cho các đợt sau và cho các việc liên quan đến thiên tai, sự cố, dịch bệnh và ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng.”

4.461 trẻ em mồ côi sau đại dịch

Theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận được của Ban Vận động các cấp [do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập] chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, cũng theo nghị định trên, kinh phí đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh chỉ được tính là dư sau khi đã chi cho các nội dung cần thiết, gồm: hỗ trợ cho gia đình có người mất, bị thương do dịch bệnh, thiên tai, sự cố; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, nhu yếu phẩm; hỗ trợ sửa chữa/di dời nhà; hỗ trợ sơ tán; vệ sinh môi trường, phòng bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, hàng hóa cần thiết phòng dịch bệnh; hỗ trợ giống cây, vật nuôi…, nhiên liệu thiết yếu, công cụ sản xuất…; hỗ trợ sửa chữa giao thông, công trình điện nước, cơ sơ y tế…; hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt cho người khó khăn bị ảnh hưởng, bị buộc phải cách ly, bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng tránh dịch của nhà nước.

Khoản tiền dư sau khi chi cho các khoản ưu tiên nói trên sẽ do UBND thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh với điều kiện là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

Hồi tháng 6/2022, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay có 4.461 trẻ em Việt Nam thành trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19; trong đó có 193 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có 8-20% trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, tính đến cuối năm 2022, 300 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng, học tập tại trường Hy vọng của FPT (Đà Nẵng). Với hơn 4.200 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, đa số sống cùng gia đình hoặc người thân, họ hàng. Sự trợ giúp từ các địa phương với nhóm trẻ này được cho là căn cứ vào nguyện vọng của trẻ và người giám hộ.

Hiện theo Nghị định 20/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022-2025, dù có sự thay đổi tùy theo địa phương. Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất 2 mức tăng, lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.

Nguyễn Quân