Tại phiên xét xử sơ thẩm chiều ngày 11/12, VKS đề nghị tuyên cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từ 8-10 năm tù, thay vì từ 10-12 năm tù như phiên tòa sáng cùng ngày (11/12).

ong nguyen duc chung
Ông Nguyễn Đức Chung (ngồi, thứ 2 từ phải qua) – cựu chủ tịch Hà Nội trong phiên tòa xử kín hôm 11/12/2020, liên quan đến vụ Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Chiều nay (11/12), phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng tiếp tục diễn ra.

Đáng chú ý, gần cuối phần đối đáp, đại diện VKS bất ngờ đề nghị lại mức án cho ông Nguyễn Đức Chung.

Cụ thể, VKS đề nghị tuyên ông Chung từ 8-10 năm tù, thay vì từ 10-12 năm tù như phiên tòa sáng cùng ngày (11/12).

Lý do, theo đại diện VKS, trong buổi bào chữa cho thân chủ, luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Công ty Arktic là công ty của gia đình ông Chung?

Cũng tại phiên tòa, VKS và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) đã tranh luận gay gắt về Công ty Arktic có phải là công ty của gia đình ông Chung hay không.

Theo VKS, công ty Arktic là công ty của ông Chung và gia đình. Ban đầu, con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung 3 lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, bị cáo Nguyễn Trường Giang (SN 1984), cựu Giám đốc Arktic nắm 60% cổ phần, bà Nguyễn Thị Bích Hằng 40%.

Thực chất, vợ ông Chung là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để bị cáo Giang cùng một người khác đứng tên. Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất nhưng sau chuyến công tác Châu Âu của bị cáo Giang với UBND TP. Hà Nội, Công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.

Ngoài việc làm giả đăng ký kinh doanh, cơ quan điều tra phát hiện công ty gian lận, kê khai man thuế tới 27 tỷ đồng. Tất cả các hành vi này có thể quy kết Arktic thực chất là “công ty gia đình”, được ông Nguyễn Đức Chung “sử dụng quyền lực để thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình”.

Tuy nhiên, luật sư Giang Hồng Thanh, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, cho rằng Công ty Arktic không phải là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung.

Luật sư Thanh dẫn chứng, gia đình bị cáo Chung có 4 người, gồm hai vợ chồng và 2 người con. Trong đó, 2 người con của ông Chung đã đi du học, bà Hoa cũng được xác định không liên quan. “Vậy vấn đề còn lại duy nhất là bị cáo Nguyễn Đức Chung. Nếu có căn cứ xác định thì phải khẳng định là công ty của bị cáo Chung chứ không phải là công ty gia đình bị cáo Chung”, vị luật sư nói.

VKS quy kết bà Nguyễn Thị Bích Hằng sở hữu 40% phần vốn góp là đại diện cho gia đình bị cáo Chung, nhưng trong thời gian sở hữu phần vốn góp, bà Hằng không được nhận bất cứ phần lợi tức nào, cũng không tham gia vào việc điều hành, quản trị Công ty Arktic và điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang.

Luật sư Thanh cũng chỉ ra khi thành lập Công ty Arktic, bà Hoa có nộp 5 tỷ đồng, nhưng 10 ngày sau rút toàn bộ. Sau đó, toàn bộ phần vốn góp sau này được bị cáo Giang nộp vào 5 tỷ đồng, từ đó không có chứng cứ nào chứng minh tiền đó của gia đình bị cáo Chung.

Về vấn đề Công ty Arktic bị cáo buộc hưởng lợi hơn 36 tỷ đồng, luật sư Thanh cho rằng, gia đình bị cáo Chung không được chia bất cứ phần lợi nhuận nào. “Tôi khẳng định với những chứng cứ hiện có trong hồ sơ, ngoài lời khai của bị cáo Giang thì không có tài liệu nào chứng minh gia đình bị cáo Chung có phần vốn góp, nên cần loại bỏ quan điểm Công ty Arktic là công ty gia đình của bị cáo Chung”, luật sư Thanh nói, báo Thanh Niên dẫn lời.

Phạm Toàn

Xem thêm:

Vụ Redoxy-3C thiệt hại 36,1 tỷ đồng: Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị 10-12 năm tù