Nhiều bờ sông tại hai tỉnh Long An và Vĩnh Long liên tiếp sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống, an nguy của người dân.

long an day nha dan bi sat lo chim xuong song can giuoc
Sạt lở khiến 8 căn nhà bị kéo xuống sông Cần Giuộc ngày 9/6. (Ảnh: vtc.vn)

Ngày 11/6, UBND tỉnh Long An cho hay tỉnh này vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây.

Vụ sạt lở xảy ra tại bờ sông Cần Giuộc (đoạn cặp đường tỉnh 826C, thuộc xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài khoảng 70m. Tại đây xuất hiện nhiều vết nứt từ lề đường sát nhà dân và lan ra giữa đường tỉnh 826C.

Vết nứt rộng khoảng 6 – 8cm, sát lề đường đất bị lún khoảng 8 – 10cm, tạo thành khung trượt hướng về phía sông Cần Giuộc và có nguy cơ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực; làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường tỉnh 826C.

Tại bờ sông Vàm Cỏ Tây (đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), đoạn thuộc xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, bị sạt lở khoảng 50m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông từ 4 – 6m (dạng hàm ếch). Chiều rộng sạt lở từ sát mé sông vào trong đê bao từ 12 – 13m. Ngoài ra, khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2 – 10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở.

Tỉnh Long An cho hay đã đề ra các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra.

long an va vinh long cong bo tinh huong khan cap sat lo bo song
Một đoạn sạt lở bờ sông Cái Cao sáng ngày 9/6. (Ảnh: baovinhlong.com.vn)

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Liệt – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp mức độ sạt lở nguy hiểm tại bờ sông Cái Cao, đoạn từ nhà máy Vinh Quang đến hộ ông Đặng Thanh Sơn, có chiều dài khoảng 460m, thuộc ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, vào lúc 4h30 ngày 9/6, đoạn đường giao thông kết hợp đê bao dọc sông Cái Cao (ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ) bị sạt lở hoàn toàn khoảng 150m, ăn sâu vào bờ từ 4 – 7m. Giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của 23 hộ dân với 132 nhân khẩu. Vụ sạt lở làm 8 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 2 căn bị sạt lở đến nền nhà phải di dời khẩn cấp, 6 căn xuất hiện các vết nứt, sụp lún bên trong sân, hàng rào, cách nhà dân khoảng 2 – 5m.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai, trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất do sạt lở. Sông bị xói mòn, đất bị sạt lở, dân phải di dời… từ 2018 – 2020, con số thiệt hại đã lên tới hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Theo một số liệu vào năm 2022, toàn bộ miền Tây Nam có tới hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.

Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127km, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193km.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m; trong giai đoạn 2009-2016, độ sâu này tăng thêm 5-10m và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Khánh Vy (t/h)