Trong một tuần, việc hai lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn HSBC là John Flint và Helen (Huang Bijuan) lần lượt từ chức, gợi nên nhiều suy đoán. Giới truyền thông Trung Quốc Đại Lục mới loan tin rằng Tập đoàn Bình An của Trung Quốc đã mua toàn bộ cổ phiếu thị trường thứ cấp của Tập đoàn HSBC, sau đó tổ chức Hội đồng quản trị lâm thời và bãi nhiệm các lãnh đạo cấp cao.

Embed from Getty Images

Trong một tuần, hai lãnh đạo hàng đầu của ngân hàng  là John Flint và Helen lần lượt từ chức (Ảnh: Getty Images)

Hai lãnh đạo Tập đoàn HSBC từ chức gây làn sóng suy đoán

Sự kiện hai lãnh đạo cấp cao Tập đoàn HSBC từ chức gần đây đã dẫn đến vô số đồn đoán. Sau khi Tổng Giám đốc Điều hành John Flint 51 tuổi của HSBC bất ngờ tuyên bố rút khỏi chức vụ hôm 5/8, đến ngày 9/8 Giám đốc điều hành Helen của HSBC khu vực Đại Trung Hoa (Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) cũng quyết định từ chức và tiết lộ ông tìm kiếm cơ hội phát triển khác. Đây là thay đổi nhân sự cấp cao thứ hai tại HSBC chỉ trong một tuần.

Theo một bài viết ra ngày 12/8 trên “Thế giới Đầu tư tài chính” (Trjcn.com) của Trung Quốc Đại Lục, “Ngân hàng Bình An Trung Quốc bất ngờ thâm nhập thị trường và quét sạch cổ phiếu thị trường thứ cấp của HSBC, trong vòng 27 phút trở thành cổ đông lớn nhất của HSBC. Chỉ một tiếng sau đó đã cho đóng băng toàn bộ tài khoản của Quỹ One (One Foundation) và tổ chức Hội đồng quản trị lâm thời, bãi miễn chức vụ của các lãnh đạo cấp cao ủng hộ Hồng Kông độc lập và tổ chức lại toàn bộ hệ thống. Nguồn tiền của Quỹ One do HSBC tài trợ ngay lập tức bị cắt đứt. Toàn ban lãnh đạo cao cấp người nước ngoài của HSBC đã bị trục xuất, CEO cao nhất John Flint bị khai trừ, Giám đốc điều hành Helen của HSBC khu vực Đại Trung Hoa cũng phải từ chức.”

Đáp lại những tin đồn từ thị trường, ngày 12/8 Tập đoàn Bình An Trung Quốc đã tuyên bố công khai rằng “Bình An mua cổ phần của HSBC chỉ đơn thuần là khoản đầu tư tài chính của quỹ bảo hiểm công ty, không tham gia vào bất kỳ hoạt động và quản lý và kinh doanh thường nhật nào.”

Ngày 12/8, đại diện HSBC đã phản hồi công khai: “Chúng tôi nhận thấy gần đây xuất hiện nhiều tin đồn chỉ ra sự thay đổi nhân sự của hai giám đốc điều hành HSBC. Đây là do kết quả từ áp lực của giới cổ đông đối với các sự kiện bên ngoài gây ra. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng những tin đồn này hoàn toàn vô căn cứ. HSBC luôn tận lực phục vụ khách hàng, cống hiến cho sự thịnh vượng kinh tế của Đại Lục và Hồng Kông.”

Tuy nhiên có nhà phân tích tài chính lại cho biết, Tập đoàn Bình An Trung Quốc Đại Lục đã trở thành cổ đông lớn nhất của HSBC từ năm 2018, nhưng hiện chỉ nắm giữ 7% vốn cổ phần của HSBC, không đủ quyền để ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự của HSBC. Với quyền biểu quyết của Bình An chỉ là 7% thì không thể kiểm soát Hội đồng quản trị thông qua Đại hội cổ đông, không thể thao túng Hội đồng quản trị nên cũng không thể bãi miễn chức vụ của quản lý cấp cao.

HSBC
Cổ đông HSBC (Ảnh qua Internet)

Theo những thông tin công khai, Tập đoàn HSBC và Tập đoàn Bình An Trung Quốc Đại Lục có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, trong 16 năm qua hai bên luôn là cổ đông của nhau. Năm 2002, HSBC đã mua 10% cổ phần của Bình An, trị giá 600 triệu USD và trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Bình An. Sau 10 năm nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Bình An, năm 2012 vì nhu cầu điều chỉnh chiến lược nên HSBC đã rút khỏi Tập đoàn Bình An, thời điểm rút khỏi cũng cho biết khoản đầu tư vào Bình An là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của HSBC trong 10 năm qua.

Tập đoàn HSBC là một trong những tổ chức dịch vụ tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại London và khoảng 8.000 văn phòng tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Sau bùng nổ thông tin HSBC giảm biên chế nhân sự và lãnh đạo cấp cao từ chức, giá cổ phiếu của HSBC đã sụt giảm, chỉ trong nửa tháng tổng giá trị thị trường đã bốc hơi đến 117,4 tỷ đô la Hồng Kông.

Tổng hợp các giả thuyết

Phóng viên Vision Times tại Mỹ đã tổng hợp thông tin gần đây, cho thấy tin đồn về việc giám đốc điều hành HSBC từ chức bao gồm bốn phương diện:

Thứ nhất: Từ chức bình thường. Khi từ chức, ông John Flint cho biết: “Sự nghiệp đến nay thành công tốt đẹp, giờ là lúc cần thay đổi. Rời khỏi ngân hàng HSBC nơi tôi đã làm việc gần 30 năm, tôi cảm thấy đáng tiếc, nhưng cá nhân tôi cũng mong được chào đón thách thức mới.”

Thứ hai: Từ chức do thành tựu không tốt. Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s đã đưa ra một báo cáo cho biết, việc HSBC bất ngờ tuyên bố John Flint từ chức đã gây ngạc nhiên lớn. Bởi thông thường, việc thay đổi nhân sự chủ chốt phản ánh Hội đồng quản trị không còn kiên nhẫn chịu được thực trạng hoạt động không hiệu quả của tập đoàn.

Tuy nhiên, nhìn vào thành quả nửa năm trở lại đây, Tập đoàn HSBC vẫn lọt vào danh sách “100 cổ phiếu mạnh của Hồng Kông” cho thấy trước khi ông John Flint từ chức, kết quả làm việc của ông không phải tệ. Cho nên, nhìn nhận việc ông từ chức vì vấn đề hiệu quả kinh doanh là quan điểm không thỏa đáng.

Thứ ba: Do tác động của sự cố Huawei. Có tin đồn rằng HSBC bị liên lụy trong cuộc điều tra liên quan đến Huawei. Sự ra đi của hai giám đốc điều hành không loại trừ do tác động của vụ việc.

Về vấn đề này, người phát ngôn của HSBC đã phản hồi tin đồn bên ngoài: “Việc từ chức của các giám đốc điều hành John Flint và Helen không liên quan gì đến sự cố Huawei.”

Thứ tư: Do Trung Quốc Đại Lục mượn ngoại hối Hồng Kông. Ngày 5/8, BGTVTM (@baoguangtv) gây bùng nổ thông tin trên Twitter: “Nguồn tin chỉ ra ĐCSTQ đã đánh cắp 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ hệ thống tài chính Hồng Kông, Hồng Kông đã bị bán khống, việc từ chức sẽ không thể xóa bằng chứng tội trạng kẻ đã hợp tác với ĐCSTQ để tắm máu Hồng Kông.” Do vụ việc bại lộ nên các giám đốc điều hành HSBC đã lập tức từ chức.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông bác bỏ quan điểm cho Đại Lục mượn ngoại tệ

Hôm 7/8 trên kênh YouTube, nhà truyền thông cấp cao Hồng Kông Stephen Shiu đã đặt vấn đề “Có chuyện CEO của HSBC từ chức liên quan đến món nợ 400 tỷ USD của Trung Quốc Đại Lục hay không” để phân tích. Ông cho rằng một khả năng là Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) mua hóa đơn USD ở Trung Quốc Đại Lục, trên sổ sách vẫn là tài sản USD, quan sát bên ngoài không thể phát hiện. Nhưng với khoản nợ xấu 400 tỷ USD, tương đương trị giá 3000 tỷ CNY thì không ai có thể che giấu được. Do đó mà vấn đề này ít có khả năng xảy ra.

Một khả năng khác mà Stephen Shiu lo ngại chính là Cơ quan tiền tệ Hồng Kông bí mật chỉ đạo các công ty quản lý quỹ lớn dùng nguồn dự trữ ngoại hối để mua hóa đơn tài chính hoặc trái phiếu của ngân hàng Trung Quốc Đại Lục; ký kết hợp tác với các công ty Trung Quốc Đại Lục tham gia trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất. Nhiều khả năng ĐCSTQ hoạt động bằng con đường này.

Huệ Anh

Xem thêm: