Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bãi bỏ nhiều quy tắc từ những người tiền nhiệm được ghi vào Điều lệ Đảng. Theo một phân tích công bố trên tờ Wall Street Journal (WSJ), vị trí người kế nhiệm ông Tập Cận Bình đã bị bỏ trống quá lâu có thể gieo mầm cho khả năng nổ ra biến cố đảo chính.

GettyImages 1248859402
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty Images)

Sau Đại hội 20, ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ trong ĐCSTQ, ông được nhiều nhà quan sát đánh giá sẽ tiến tới làm lãnh đạo suốt đời. Vào tháng 6/2023 ông Tập sẽ bước sang tuổi 70, nhìn quanh nhóm thân cận của ông cho thấy không có chỉ định hoặc bồi dưỡng bất kỳ người kế vị tiềm năng nào.

Tờ WSJ ngày 20/5 có bài viết phân tích thế khó của vấn đề người kế vị Tập Cận Bình. Bài viết cho biết, các nhà độc tài có xu hướng chỉ định những người kế nhiệm mà họ tin tưởng để bảo tồn di sản và bảo vệ lợi ích của họ khi về hưu. Những đối tượng lãnh đạo được chỉ định phải bắt đầu xây dựng cơ sở quyền lực của họ từ trước, để tránh sau khi nhậm chức họ bị phế truất hoặc không có thực quyền. Nhưng một khi xuất hiện rõ ràng người kế vị, các chính trị gia trong ĐCSTQ đương nhiên sẽ bắt đầu sắp xếp lại lòng trung thành của họ, từ đó có khả năng làm suy yếu quyền lực của ông Tập và làm dấy lên lo ngại rằng người kế nhiệm âm mưu chiếm đoạt quyền lực.

Các nhà lãnh đạo trong các chế độ độc tài thường ý thức rằng nếu họ vô tình để mất quyền lực thì có thể hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng cho dù họ nghỉ hưu theo chủ ý hoặc có điều kiện nào đó, thì an ninh của họ cũng hầu như không được đảm bảo, trừ khi họ có thể duy trì quyền lực của mình đối với người kế nhiệm.

Bài viết cho biết, mặc dù ông Tập Cận Bình không chọn người kế vị, nhưng điều đó có thể khiến tất cả các phe phái trong đảng cảnh giác. Nhưng để trống chiếc ghế kế nhiệm quá lâu có thể khiến ông Tập không còn người thân cận và kích thích thù địch nội bộ, gieo mầm cho một cuộc đảo chính.

Một số nhà quan sát từ lâu đã chỉ ra, vấn đề đấu đá nội bộ của ĐCSTQ thậm chí cuối cùng phát triển thành đấu đá một mất một còn, đều liên quan đến vấn đề chọn người kế nhiệm. Như khi chọn người kế vị của lãnh đạo đầu tiên Mao Trạch Đông, ban đầu người được chọn là Lưu Thiếu Kỳ nhưng sau đó là Lâm Bưu. Người thứ nhất bị giết bởi những kẻ nổi loạn trong Cách mạng Văn hóa mà ông Mao phát động, người thứ hai chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn ở Mông Cổ, kết quả “gây họa cho đảng và đất nước”.

Sau khi Đặng Tiểu Bình xuất hiện đã kết thúc thời đại Mao Trạch Đông. Khi khởi xướng cải cách, Đặng nhận ra tầm quan trọng của vấn đề người kế nhiệm nên, đã xóa bỏ “chế độ lãnh đạo trọn đời” [từ Mao], thực hiện chỉ định người kế nhiệm trước một khóa, và lãnh đạo cao nhất chỉ được phục vụ 2 nhiệm kỳ… Nhưng để ngăn chặn biến cố Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã phế truất 2 tổng bí thư có tư tưởng cải cách là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã nhìn vào bài học về sự tan rã của Liên Xô, ông Tập lo sợ rằng một nhân vật giống như Gorbachev sẽ đột ngột xuất hiện làm ĐCSTQ tan rã. Vào năm 2018, ông Tập nói với các quan chức ĐCSTQ rằng việc thực hiện công cuộc phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa “cần phải đào tạo các thế hệ kế thừa đáng tin cậy”. Để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, ông Tập cần chuẩn bị cho một người kế nhiệm tiềm năng vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, người kế nhiệm này là người duy nhất có thể được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và Phó chủ tịch nước.

Vào tháng 4 năm nay, “Văn tuyển Tập Cận Bình” do ĐCSTQ xuất bản đã nói về vấn đề người kế vị, theo đó ông Tập nói trong một bài phát biểu rằng một số quan chức không thể ngồi đó chờ lên ngôi như “thái tử”, ông cũng chỉ ra rằng việc tuyển chọn và đào tạo cán bộ trẻ “trước hết là giáo dục họ trung thành với Đảng, kiên quyết ngăn chặn những kẻ hai mặt trong chính trị”.

Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18 ĐCSTQ, những quan chức như Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài, Trần Mẫn Nhĩ từng được giới quan sát ví là “thái tử” hay “người kế vị”, nhưng rồi quan lộ của họ đã gây ngạc nhiên. Bi kịch nhất trong số đó là Tôn Chính Tài – cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh – đã bị ông Tập thanh trừng ngay trước thềm Đại hội 19 của ĐCSTQ.

Còn Hồ Xuân Hoa từng được coi là “thái tử” tại Đại hội 20, nhưng không những không được vào Thường vụ Bộ Chính trị mà thậm chí còn không được vào Bộ Chính trị. Vào tháng 3 năm nay, sau khi ĐCSTQ kết thúc “lưỡng hội”, ông Hồ Xuân Hoa chính thức bị “về tuyến hai” trước thời hạn khi trở thành Phó bí thư Tổ đảng của Chính hiệp. Còn ông Trần Mẫn Nhĩ  – một ứng viên nổi tiếng khác được coi là người kế vị – cũng bất ngờ không được vào Ban thường vụ, sau đó thôi giữ chức Bí thư Trùng Khánh và chuyển sang làm Bí thư Thiên Tân.

Nhà sử học Joseph Torigian, trợ lý giáo sư tại Đại học Mỹ, đã viết một cuốn sách xem xét các cuộc đấu tranh quyền lực ở Liên Xô và Trung Quốc. Theo quan sát của ông, nhiều người kế vị do Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình lựa chọn trong lịch sử cuối cùng đã bị bãi bỏ. Ông chỉ ra rằng trong nền chính trị kế vị của ĐCSTQ, mối quan hệ tế nhị giữa nhiều quan chức cấp cao rất có thể bị hiểu sai do không nắm đúng ý định của lãnh đạo cao nhất. Ngoài ra, các sự kiện xã hội không thể đoán trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng hạn như biến cố Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Ông Joseph Torigian chỉ ra cuộc đấu tranh của giới tinh hoa trong một chế độ theo chủ nghĩa Mác-Lênin giống như ‘cuộc hỗn chiến với những quy tắc kỳ lạ’. Cả Stalin và Mao Trạch Đông, dù có quyền lực đến đâu, cũng không thể đảm bảo hệ thống của họ sẽ tồn tại sau khi họ qua đời…