Anh Kiến Phước mất hồi Sài Gòn mới chớm dịch Covid, tôi từ Đà Lạt kịp lúc đưa tang. Nửa năm sau bà Kim Hạnh muốn ra quyển sách viết về chồng mình dưới cái nhìn từ các thân hữu của anh. Khi Sài Gòn bắt đầu lockdown, tôi mới viết 1 bài ngắn về anh Kiến Phước. Có nhiều chuyện “động trời” về anh Kiến Phước mà tôi không thể viết ra vì sẽ bị “thẻo”. Ý tại ngôn ngoại, đọc giữa hai dòng chữ sẽ hiểu.

Tôi không biết bà Kim Hạnh làm cách nào mà chỉ 2 tháng sau cuốn sách ra đời. Và tôi cũng không biết bà Kim Hạnh luồn lách cách nào mà vượt qua được bao nhiêu nút chặn đến đầu ngõ nhà tôi đưa sách, ngăn cách bởi hàng rào dã chiến. Sài Gòn lúc đó đang hồi cao điểm lockdown.

Anh Kiến Phước ra đi coi vậy mà cũng hơn 3 năm, tôi post bài này để nhớ lại một con người đậm khí chất Sài Gòn.

Up, please anh Kiến Phước.

Vũ Thế Thành

*

Cọp tía hóa giấy

Tôi và anh Kiến Phước là bạn nhậu, nhưng thỉnh thoảng mới ngồi nhậu với nhau. Tôi nghe nói anh là quan chức của tờ báo đảng. Tôi không đọc báo đảng, nên chẳng bao giờ chúng tôi bàn tới chuyện báo chí.

Cho đến giờ, tôi vẫn chưa đọc bài báo nào của anh Kiến Phước, nhưng anh thì có đọc tôi. Chẳng phải hay ho gì, anh đọc vì có bổn phận “rà mìn” xem tôi viết có phạm húy không. Tôi viết về an toàn thực phẩm, chuyện khoa học, đâu dính gì tới bom đạn chính trị… Có lần ngồi nhậu, anh Phước buột miệng, chú mày viết bài Sài Gòn đâu cần nhập tịch hay đấy. Tôi biết vì sao anh thích bài đó.

Nói tới Sài Gòn là nói tới dân Lục Tỉnh, dân một thời khai phá miền Nam, cùng lắm dính dáng thêm tới Biên Hòa, Củ Chi, Hốc Môn, Tây Ninh là nhiều. Dân Cà Mau, U Minh, cách Sài Gòn ba bốn trăm cây số, vô Sài Gòn là thành dân Sài Gòn, huống chi quê anh Kiến Phước ở Gò Công, cách Sài Gòn chỉ 60 cây số. Anh thích bài Sài Gòn của tôi vì anh tìm thấy chính mình trong đó, một cá tính rất tiêu biểu của dân Sài Gòn.

Lạ một điều, anh Phước rời xa Sài Gòn hay Gò Công năm mười mấy tuổi, theo gia đình tập kết ra Bắc. Hai mươi năm sau quay lại Sài Gòn, tính tình đặc sệt chất Sài Gòn vẫn tồn tại, phát triển bền vững. Anh kể, có thời học ở Liên Xô về kỹ thuật tên lửa. Tôi đùa, hỏa tiễn bắn lên có nấp trong mây chờ máy bay Mỹ đi ngang mới phát nổ không. Anh cười ha hả…

Cá tính dân Nam không màu mè, khách sáo, đãi bôi. Xáp vô là uống, mồi là chuyện nhỏ… Mà uống, phải là uống rượu, uống bia, anh nói, đau bụng. Đô rượu anh Phước mạnh lắm, tôi không phải đối thủ… Phải thú trước, vấn đề là say như nhau, chứ không phải uống như nhau…Biết phải quấy trước như vậy là kiểu Sài Gòn, chứ nốc cái rẹt cạn ly như mấy tay hảo hán Lương Sơn Bạc, ai mà chịu nổi.

Tửu nhập ngôn xuất, rượu vào là nói lớn, chứ không thì thào. Nói là làm. Anh Phước là vậy đó.. Nhưng có chuyện anh nói mà không dám làm. Chị quản gia nhà anh có lần kể tôi nghe, thằng con trai lớn của anh, cu Tèo, tối đi chơi khuya. Anh bực bội, đi qua đi lại trong nhà, đập bàn, đập ghế, quát tháo, nó mà về thì sẽ biết tay này nọ. Khi nó về, anh lại im re. Chắc anh nghĩ nó có lý do gì đó cần được thông cảm. Nhưng tôi biết, anh thông cảm thằng con cho đến cuối đời mình. Cu Tèo, liệu hồn đó! Bây giờ mày đã hết quota thông cảm.

Cu Tèo lấy tên Kiến Phước đi giao dịch, hót nhăng nhít trên mạng. Tôi bảo, mày phóng đãng, xài tên Kiến Phước, lỡ mày làm tầm bậy, ba mày mang tiếng. Nó nói, đâu có. Tên khai sanh con là Nguyễn Tấn Kiến Phước, ba con xài tên con đấy chứ. Cọp tía hóa giấy từ lúc thằng con chào đời.

Có lần ngồi nhậu, anh bảo tôi, tao bỏ…rồi. Ừ, thì anh cứ coi như mình chưa vào là được. Nhưng làm sao có thể “coi như” được khi một người gần hết một đời đi theo con đường lót đầy tranh vẽ. Có nghĩa gì đâu khi anh kể tôi nghe nhiều chuyện cung đình thâm cung bí sử, chỉ là những mẩu chuyện ngoại sử, sẽ không bao giờ đi vào chính sử. Nhiều chuyện thời sự, anh phân tích cho tôi nghe bằng cái nhìn lắc léo của một biên tập viên báo đảng. Anh nói bằng giọng phẫn uất như bị người vợ tào khang 50 năm phụ tình.

Cũng có nghĩa gì đâu, khi anh nói với tôi, chúng ăn từ trên xuống dưới, phe nhóm lợi ích, đạo đức giả hại người…. Nếu cái sai đã có hệ thống, thì chỉ có xóa bàn làm lại, vì càng sửa càng sai. Một khi công lý bị chỉ đạo thì đâu còn gì để nói… Tôi nói thêm, anh giận dữ làm gì mấy chuyện hậu quả cho phí sức. Nói thế, nhưng có dịp, tôi vẫn phải nghe anh chửi. Cảm giác bị lường gạt 50 năm thì nỗi hận cứa vào tim, dễ gì nguôi.

Có lần tôi nghe anh to tiếng qua phone với tờ báo nào đó mời anh đi dự lễ kỷ niệm… Tôi không biết cụ thể đầu đuôi câu chuyện, nhưng tắt phone rồi sắc mặt anh vẫn còn giận dữ. Tôi nói, bây giờ là lúc anh nên quên đồng chí của anh đi, chỉ nên nói về đồng đội. Đồng đội không biết phê và tự phê, đồng đội chỉ biết kể chuyện năm xưa, biết lắng nghe và chia sẻ.

Hai năm sau này, anh mắc bệnh nan y. Tôi ghé thăm, anh lấy cớ mang rượu ra đãi khách. Tôi cũng ngại, đến thăm bệnh mà nhậu với bệnh nhơn thì dễ bị úp sọt. Anh nói, nhằm nhò gì, ai dám cản tôi. Con cọp (giấy) đang thò nanh vuốt vào thời điểm vắng vẻ. Chỉ một hớp rượu, anh trở nên linh hoạt, giọng hào sảng hẳn ra. Tôi bật cười, anh đúng là dân Sài Gòn. Ừ, chú mày viết về dân Sài Gòn được lắm.

Khi cao hứng tới điểm, anh nói, chú cho anh điếu thuốc, lâu rồi anh không được hút. Tôi biết anh bị khống chế từ xa. Chất lượng cuộc sống lắm khi có lý hơn kéo dài cuộc sống. Tôi ngộ ra điều này sau khi mẹ tôi mất.

Hồi giữa năm ngoái, tôi tái bản quyển “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, tôi định khi ra mắt sách, sẽ mời anh đến nói chuyện cho rõ hào khí của dân Sài Gòn. Nhưng không kịp, sách chưa có giấy phép phát hành, chưa kịp đem biếu, anh đã ra đi…

Dù thế nào đi nữa, cọp nằm cũi, thò đầu qua song hít thở chút không khí phóng túng của dân giang hồ lục tỉnh cũng lấy làm mãn nguyện. Sống vẫn như thế, trắng đen rành mạch như anh đã từng sống với khí chất Sài Gòn cho đến khi ra đi.

Anh Kiến Phước, anh đúng là dân Sài Gòn.

Vũ Thế Thành
Viết cho ngày giỗ đầu người bạn vong niên – 2021

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Kiến Phước

Xem thêm: