Những năm cuối thập niên 70, đầu 80, tôi làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu ở Đa Kao – Làm nghiên cứu thì thời gian rảnh nhiều, tôi hay lang thang vào Đất Thánh Tây, gần chỗ làm…

Chỉ là đi dạo thơ thẩn trên những con đường tráng nhựa rợp bóng cây, ngắm nhìn những ngôi mộ. Đôi lúc tò mò nhìn vào bia mộ, tên tuổi, năm sanh, năm chết của người quá cố, người chết già, người chết trẻ, quan lớn, quan nhỏ,… Vài người trong số họ, tôi đã từng biết qua báo chí. Đôi lúc tôi cũng chuyện trò với ông quản trang, biết thêm nhiều chuyện thú vị.

Đất Thánh Tây là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Hồi nhỏ đã vài lần theo ba tôi vào đây, nghe người lớn gọi là Đất Thánh Tây, riết rồi quen. Đất Thánh Tây có từ thời Tây, đâu đó giữa thập niên 50 thế kỷ 19, chôn cất các binh sĩ Pháp tử trận, và sau này là giới thượng lưu người Việt. Đối với tôi, đó là nghĩa trang đẹp nhất, được bao bọc bởi bốn bức tường, bởi bốn con đường giữa lòng thành phố, và những con đường yên tĩnh bên những bia mộ.

Cuối thập niên 70, đầu 80 là những ngày tháng thật buồn, xã hội đói kém, con người sống với nhau bằng nhiều khuôn mặt. Mới ngày nào còn đầy hoài bão, tương lai thoắt chốc trở thành vô định. Bè bạn tối qua còn ngồi uống với nhau, hôm sau nghe tin đã đi. Có đứa không bao giờ trở lại.

Năm ngôi sao trên bia mộ của tướng Lê Văn Tỵ bị bắn rụng, trơ ra phân xi măng. Bia của tướng Trần Thanh Phong cũng bị bắn rụng sao tương tự. Nhìn sao rụng, tôi nhớ đến mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Sa Đéc được kín đáo cho xây lại tươm tất dưới thời tổng thống Diệm. Cách mộ tướng Tỵ không xa là hai ngôi mộ kim tĩnh, không bia, không tên tuổi. Tôi không nhớ mộ được đậy bằng tấm đan, hay chỉ lấp đất. Đó là nơi chôn cất Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu. Tất cả đều nằm dưới lòng đất.

Sanh thời, tướng Tỵ là thuộc cấp của Tổng thống Diệm. Khi mất, người bia mộ thật cao, người bia mộ thật thấp. Cao thấp nào nghĩa lý gì! Năm 1983, có lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Cũng vài ba lần tôi ghé xem. Cải táng mộ hai anh em Tổng thống Diệm và Nhu lúc nào tôi không rõ, nhưng nghe nói, hôm đó nghĩa trang đóng cổng, có công an quay phim chụp ảnh khi cải táng.

Đặt nghĩa trang trong khu đô thị là điều không nên, nhưng vài thành phố châu Âu lại lưu giữ 1-2 nghĩa trang cổ kính như là di tích. Những ngôi thánh đường lớn ở châu Âu cũng thế, chung quanh còn giữ nghĩa trang nhỏ, mà có những bia mộ tôi đọc, có “tuổi” đến cả 400 – 500 năm. Người thành phố đến đó, lang thang giữa vùng bia mộ để suy tư về sự phù du cõi đời, về chuyện tử sanh, và biết bao điều riêng tư biết nói cùng ai.

Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài gòn có một phần lịch sử, với những nhân vật lịch sử. Bây giờ được thay thế là công viên Lê Văn Tám. Không biết ai đã khéo đặt tên công viên là Lê Văn Tám trên cái nền nghĩa trang lịch sử đó. Thật trớ trêu!

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn Thập Cẩm (saigonthapcam.wordpress.com)

Xem thêm:

Mời xem video: