Trong cuộc sống hàng ngày không thể tránh khỏi việc chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người. Do đó nâng cao khả năng tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân là vô cùng cần thiết, nó không chỉ khiến cuộc sống trở nên hài hòa hơn mà còn làm tăng chỉ số hạnh phúc của con người. Vì vậy, bài học đầu tiên khi bước ra xã hội chính là có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững.

moi quan he 2
Mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân không chỉ làm tăng chỉ số hạnh phúc của con người mà còn là tiền đề cho một xã hội tốt đẹp. (Ảnh: Studio Romantic/ Shutterstock)

Bắt đầu một mối quan hệ không khó, luôn duy trì nó ở trạng thái tốt nhất mới là khó. Tuy nhiên, chỉ cần bạn tuân thủ theo những quy tắc này, bạn sẽ là “thủ lĩnh” trong mọi mối quan hệ.

1. Lắng nghe

Có lẽ rất nhiều người đã từng gặp phải tình huống này. Ví dụ, khi bạn đang bắt đầu nói về một điều gì đó thì đối phương đột ngột ngắt lời bạn bằng một chủ đề khác mà họ muốn nói. Điều này làm bạn rất không thoải mái và cảm thấy mình không được tôn trọng. Tuy nhiên, khi ai đó nói về một chủ đề mà bạn không thể tiếp thu thì cũng đừng vội phản ứng, thay vào đó hãy cố gắng lắng nghe hoặc cố gắng hiểu. Bạn nên cho người khác biết rằng bạn tôn trọng họ, họ rồi cũng sẽ hiểu và sẵn sàng lắng nghe bạn.

2. Đặt bản thân vào vị trí của người khác

Việc không quá kiêng kỵ khi trò chuyện chỉ phù hợp nếu đối phương là những người thân thiết, bởi điều đó sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị và sâu sắc hơn. Tuy nhiên kiểu giao tiếp này không phù hợp với những người xa lạ. Nếu mới gặp lần đầu mà hỏi lương của họ bao nhiêu? Kết quả học tập của họ thế nào? Cuộc sống gia đình ra sao? Điều đó không chỉ khiến đối phương cho rằng bạn không tôn trọng quyền riêng tư của họ mà còn khiến họ nghĩ rằng bạn là người thô lỗ. Vì vậy, khi giao tiếp với người khác, chúng ta cần học cách đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ ở vị trí của họ.

Thông thường những câu hỏi mà chúng ta không muốn người khác hỏi cũng là những câu hỏi mà người khác không muốn tiết lộ. Như vậy khi giao tiếp với người lạ hãy chỉ nói về các vấn đề xã hội, danh lam thắng cảnh nơi chúng ta sống và sở thích thông thường của chúng ta, v.v. Không nên thảo luận về các chủ đề gây tranh cãi hoặc khiến người khác “á khẩu vô ngôn”.

moi quan he 1
Khi giao tiếp với người khác, chúng ta cần học cách đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ ở vị trí của họ. (Ảnh: Josep Suria/ Shutterstock)

3. Dĩ hòa vi quý

Nếu gặp phải người nhất định muốn hơn thua với bạn, nhưng nếu như điều đó không làm tổn hại đến lợi ích, không vi phạm quyền cá nhân và nguyên tắc của bạn thì hãy lùi một bước, hãy nhường “chiến thắng” cho đối phương. Điều này không chỉ thể hiện tấm lòng rộng lượng của bạn mà còn khiến đối phương ngày càng nể phục bạn hơn, quan trọng nhất chính là nó có thể giữ được hòa khí. 

Khi gặp phải vấn đề không thực sự cần thiết, không cần tranh cãi với người khác, chỉ cần mỉm cười và để chuyện đó qua đi. Tuy nhiên bạn cần nói thế nào cho hợp lý? Nếu bạn nói “được rồi, cứ coi như bạn nói đúng đi!”, điều này có thể sẽ động chạm đến lòng tự trọng và cái tôi đang phình to của họ, như thế có thể khiến họ trở nên mất bình tĩnh hơn. Thay vì vậy, hãy nói một cách khéo léo như thế này “tôi nghĩ mình đã hiểu sai ở chỗ nào đó và tôi sẽ suy nghĩ lại về nó. Tuy nhiên bây giờ chúng ta sẽ không nói về nó nữa, được chứ?” Trên thực tế, nếu bạn tranh cãi với họ về việc thắng hay thua, điều đó không chỉ khiến mọi người nghĩ bạn là người hèn mọn mà còn khiến mối quan hệ rơi vào bế tắc. Trong mọi mối quan hệ, hãy luôn lấy “dĩ hòa vi quý” làm trọng, đó chính là chìa khóa của mọi điều tốt lành.

4. Công nhận sự tốt đẹp của người khác

Một lời khen ngợi từ tận đáy lòng giống như cơn mưa xuân tưới mát tâm hồn của một người vậy, nó cũng có thể giúp mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, một lời khen giả tạo có thể làm khoảng cách giữa mọi người trở nên lớn hơn. 

Tuy nhiên khen cũng là một nghệ thuật, một số người không biết cách khen ngợi, họ luôn khen ngợi người khác một cách rất tùy tiện. Điều này không chỉ khiến người khác cảm thấy nhàm chán mà còn mang cảm giác rất đạo đức giả. Ví dụ, một số người rõ ràng là có ngoại hình trung bình, nhưng bạn lại muốn nói rằng họ đẹp; rõ ràng là họ lười biếng, nhưng bạn cố khen ngợi sự chăm chỉ của họ… Lời khen này không những không khiến mọi người nghĩ rằng bạn thân thiện mà thực tế còn có vẻ như bạn đang cố tình mỉa mai.

Vậy chúng ta nên khen ngợi người khác như thế nào? Trên thực tế, nó rất đơn giản. Hãy quan sát cẩn thận, tìm hiểu đặc điểm của mọi người và khen ngợi một cách càng chi tiết càng tốt. Ví dụ: Thay vì nói “Hôm nay bạn thật xinh đẹp!” thì hãy nói “Hôm nay bạn mặc chiếc váy này rất hợp, kiểu váy này làm bạn trông trẻ ra, còn màu này làm da bạn sáng hơn đấy!” Chỉ bằng cách này, mọi người mới cảm thấy lời khen của bạn là chân thành và nó cũng sẽ gây ấn tượng rất tốt. Vì vậy, trong những lúc bình thường, chúng ta cần học cách quan sát và học cách mở rộng tấm lòng để có thể khen ngợi người khác từ tận đáy lòng.

Trúc Nhi t/h