Tại sao trẻ em Mỹ trong thời hiện đại lại cảm thấy buồn bã và xu hướng muốn tự tử tăng mạnh? Nghiên cứu mới nhất cho thấy các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh đã gây ảnh hưởng đến não bộ và làm mất đi niềm vui sống của trẻ.

dien thoai thong minh 2
Theo nghiên cứu mới nhất cho biết trẻ em Mỹ bị ảnh hưởng não bộ bởi các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh và số lượng trẻ có ý định tự tử gia tăng với con số đáng báo động. (Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Theo các cuộc thăm dò mới và một cuốn sách mới được viết bởi một giáo sư Đại học New York, tình trạng trầm cảm và lo lắng đang gia tăng ở trẻ em Mỹ.

Jean Twenge, nhà tâm lý học và tác giả của Generations, nói rằng: “Điện thoại thông minh và mạng xã hội đã thay đổi căn bản cách thanh thiếu niên dành thời gian bên ngoài trường học”.

Cô nói thêm: “Đối với thế hệ thanh niên, họ đang dành nhiều thời gian hơn để ở trong phòng một mình, không ngủ, không ra ngoài chơi với bạn bè. Đây là một lối sống cực kỳ có hại cho sức khỏe tâm thần”. 

Jonathan Haidt, Giáo sư tại Đại học New York, đã viết trong cuốn sách ‘The Anxious Generation: How the Great Rewiring of Childhood Is Causing an Epidemic of Mental Illness’ rằng: “Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ dần xuất hiện vào đầu những năm 2010 và bắt đầu trở nên tồi tệ nhanh chóng vào thời kỳ giữa. Khoảng thời gian này trùng khớp với giai đoạn gia tăng việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội.”

Viết trên tờ The Atlantic, ông Haidt nói rằng tỷ lệ trầm cảm và lo âu ở thanh thiếu niên Hoa Kỳ “khá ổn định trong những năm 2000”, nhưng “rất nhiều nghiên cứu cho thấy chúng đã tăng vọt lên 50% từ năm 2010 đến năm 2019”. Có thể nói 50% là một con số gây sốc.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ tự tử ở trẻ em từ 10 đến 14 tuổi đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2007 đến năm 2021.

Theo CDC, tỷ lệ nữ sinh trung học Hoa Kỳ tự tử đã tăng từ 19% năm 2011 lên 30% vào năm 2021. Còn ở nam sinh trung học thì con số là khoảng 13% lên 14%. Nhiều nghiên cứu còn báo cáo rằng mạng xã hội đã khiến thanh thiếu niên cảm thấy căng thẳng và chán nản, tuy nhiên lượng thời gian họ dành trên mạng vẫn tiếp tục tăng.

Theo Gallup, thanh thiếu niên dành trung bình 4,8 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội như TikTok, Instagram, và Snapchat. Còn đối với các cô gái tuổi teen, thì thời gian này thậm chí là lên đến 5,3 giờ. Một nghiên cứu thú vị còn ước tính rằng trung bình một thiếu niên Mỹ nhận được 237 tin nhắn mỗi ngày.

Quốc hội hiện đang tranh luận về việc sử dụng TikTok tại Hoa Kỳ. Nếu ứng dụng này biến mất khỏi điện thoại, mặc dù điều đó khó có thể xảy ra sớm, nhưng nó sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong cách sử dụng thời gian của thanh thiếu niên Mỹ.

Bà Twenge cho rằng: “Chắc chắn có khả năng trẻ em sẽ thay thế TikTok bằng YouTube hoặc Instagram. Tuy nhiên, thuật toán của TikTok có khả năng thu hút mọi người dành nhiều thời gian hơn cho nó một cách đáng kinh ngạc.”

Trẻ em Việt Nam ngày nay cũng sử dụng điện thoại thông minh quá sớm

Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định rằng hiện nay phụ huynh cho trẻ em sử dụng điện thoại di động quá sớm, hơn nữa trẻ không được bảo vệ tốt trong môi trường mạng xã hội.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25% dân số đang dùng internet. Độ tuổi dùng internet nhiều nhất là 14-15, chiếm 93%; còn trong độ tuổi từ 12-13 tuổi, chiếm 82%.

Các rủi ro mà trẻ gặp trong môi trường mạng rất lớn, bao gồm tin giả, tin kích động, bạo lực và tình dục….Số liệu khảo sát vào năm 2020 của MSD báo cáo rằng có khoảng 40% trẻ cảm thấy không an toàn và hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.

dien thoai thong minh 1
Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 24,7 triệu trẻ em Việt Nam, chiếm 25% dân số đang dùng internet và không được bảo vệ tốt trong môi trường mạng xã hội. (Ảnh: TinnaPong/ Shutterstock)

Kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo

Những hệ lụy mà điện thoại và thế giới ảo mang lại cho trẻ đã quá lớn, giờ đây đã đến lúc cha mẹ cần kéo con mình ra khỏi thế giới ảo này. Có thể nói rằng, để con “yêu thích” điện thoại nhanh và dễ dàng hơn việc khiến con “chán ghét” nó, thế nhưng không phải là không có cách. Chỉ cần cha mẹ thật sự đặt tâm và nỗ lực thì điều này có thể làm được.

– Làm bạn với con: Thật ra không có đứa trẻ nào là không yêu thương và muốn chơi cùng cha mẹ. Chỉ là cha mẹ vì quá bận rộn nên đã để con “làm bạn” với điện thoại. Theo thời gian, con hiểu rằng điện thoại chính là nơi để bản thân trút bỏ cô đơn và buồn chán, từ đó con chỉ cần điện thoại mà không cần bất kỳ ai khác. Vì vậy, việc cha mẹ cần làm chính là “hy sinh” một chút thời gian của mình để làm bạn cùng con, dần dần con có thể rời xa chiếc điện thoại thông minh.

– Sở thích phi công nghệ: Hướng dẫn con tìm ra những sở thích mới và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động phi công nghệ như đọc sách, thể thao, học nhạc, nghệ thuật, tập thể dục..v.v.

– Các hoạt động đời sống xã hội tại gia đình: Thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội ở nhà để giúp con được gặp gỡ bạn bè, để chúng xây dựng tình bạn lâu dài và những kỷ niệm vui vẻ.

– Đưa con đến gần với thiên nhiên: Thiên nhiên chính là liều thuốc bổ của tâm hồn, vì vậy hãy đưa con tiếp xúc nhiều nhất với thiên nhiên để những tổn thương do điện thoại gây ra được chữa lành.

– Tạo không gian cho con sáng tạo: Hãy cùng con chơi những trò chơi mang sức sáng tạo và thú vị, từ đó vừa có thể khơi dậy khả năng tu duy trong con, vừa giúp con tránh xa với điện thoại thông minh.

Cai nghiện điện thoại cho con không khó, khó ở chỗ cha mẹ có đủ quyết tâm, đủ tâm huyết và sẵn sàng dành thời gian cho con hay không!

Trúc Nhi, Tuệ Di t/h