Trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều phải trải qua rất nhiều nỗi buồn đau và mất mát.

Đó có thể là nỗi đau khi người ta yêu quý nhất không còn nữa, có thể là nỗi đau khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị phản bội, ly hôn, phá sản hay thất nghiệp v.v…

đối mặt với đau thương
(Ảnh: Jerzy GóreckiPixabay)

Mỗi người đều có cách riêng để làm dịu bớt sự đau khổ. Một số người chia sẻ nỗi buồn với bạn bè hoặc người thân trong gia đình, trong khi một số khác lại chọn giấu kín nỗi đau cho riêng mình. Khi phụ nữ bị bạn đời phản bội, có người thì khóc lóc trong nhiều ngày, có người thì chôn kín nỗi đau và tiếp tục làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ ở nhà và một nhân viên mẫn cán ở công ty.

Ở phía ngược lại, khi cố gắng an ủi những người đang đau khổ, chúng ta lại thường không biết phải nói gì hoặc làm gì. Nếu có thì cũng chỉ là một số lời an ủi vụng về hoặc không thích hợp.

Giống như tất cả những người ở độ tuổi 70 như tôi – tôi đã chứng kiến ​​và trải qua những mất mát và đau thương. Ở đây tôi chỉ đưa ra một số quan sát của riêng tôi về cách vượt qua nỗi đau, cũng như cách giúp đỡ những người đang đau khổ. 

Hãy dành thời gian để cảm nhận nỗi đau

Sáu tuần sau cái chết của vợ tôi, mẹ vợ tôi đã nói với các con tôi khi chúng ngồi quanh chiếc bàn ăn rằng: “Đã đến lúc tất cả chúng ta cần phải vượt qua chuyện này và tiếp tục sống!”. 

Con trai cả của tôi, gần 20 tuổi, nói: “Bà ơi, chúng ta sẽ tiếp tục sống, nhưng con vẫn sẽ nhớ mẹ!”

Đó là những lời nói rất sáng suốt. Con trai tôi cho phép mình có thời gian để đau buồn trong khi cố gắng vượt qua nó. Trong những lần đến nhà chúng tôi, mẹ vợ thường đến thăm mộ của vợ tôi ở gần đó. Bà chỉ ở đó một hoặc hai phút là quay về trước khi bật khóc. Bà không muốn ôm giữ nỗi đau.

Không ai trong chúng tôi muốn chìm đắm trong đau khổ, nhưng sự mất mát quá lớn khiến chúng tôi cảm thấy đau đớn và chúng tôi cần có thời gian để vượt qua. Một bác sĩ trị liệu đã từng nói với tôi rằng nỗi đau mất người thân có thể phải mất đến ba năm mới nguôi ngoai.

Vì vậy, hãy kiên nhẫn với bản thân và với những người xung quanh vì nỗi buồn không có thời gian biểu.

đàn ông ế vợ
(Ảnh minh họa: aslysun/Shutterstock)

Tất cả những gì chúng ta cần là “sự hiện diện”

Sự hiện diện ở đây bao gồm cả sự hiện diện của những người đang đau khổ và sự hiện diện của những người quan tâm đến họ.

Tôi từng biết có những người cố gắng giải thoát bản thân khỏi sự mất mát hoặc bị phản bội bằng cách phung phí tiền vào việc mua sắm, có người thì đắm mình trong ma túy hoặc rượu, có người lao đầu vào công việc, cố gắng tìm kiếm người bạn đời hoặc người yêu khác hoặc dành thời gian cho các môn thể thao như gôn hoặc tennis.

Trốn chạy hoặc giấu diếm nỗi đau càng khiến vết thương lòng khó lành và có thể mang lại nhiều rắc rối hơn. Tất cả chúng ta đều có những cách vượt qua nỗi buồn khác nhau, nhưng có một yếu tố quan trọng trong hành trình này chính là sự hiện diện, sự sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và mất mát của chúng ta.

Và những ai muốn giúp đỡ bạn bè hay người thân vượt qua vết thương lòng nên biết điều này: sự hiện diện của bạn có ý nghĩa hơn cả những bữa ăn thịnh soạn, tiền bạc hay lời nói. Ở bên người ấy là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể tặng họ. Một cái ôm vào thời điểm này có ý nghĩa nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.

ban be
(Ảnh: Shutterstock)

Tập thể dục, chế độ ăn uống và thói quen

Nếu cuộc sống giáng cho bạn một đòn nặng, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi vì cú sốc, đôi khi đến mức buồn nôn. Bạn có thể thấy mình ăn không ngon, ngủ không yên và không muốn làm gì hơn là ngồi trên ghế sofa và nhìn chằm chằm vào khoảng không.

Đây là thời điểm mà bất chấp mọi cảm giác tiêu cực chán chường, bạn phải trở nên chủ động và biết chăm sóc bản thân: ăn đồ ăn tốt cho sức khỏe, cố gắng hết sức để ngủ đủ giấc, thực hiện một số bài tập thể dục, ngay cả khi chỉ đi dạo quanh khu nhà cũng có thể giúp tâm trạng của bạn tốt hơn.

Duy trì thói quen thường xuyên của bạn cũng có thể có tác dụng như một liều thuốc giảm đau. Tôi có thói quen cùng cậu con trai út đi bộ đến thư viện một hoặc hai lần mỗi tuần, và vài tuần sau khi mẹ nó qua đời, chúng tôi lại tiếp tục thói quen này. Những chuyến đi đó đã giúp cả hai bố con cảm giác tốt hơn và gợi nhớ một quá khứ hạnh phúc hơn.

Nếu bạn đang cố gắng an ủi một người đang trải qua bi kịch, bạn có thể giúp họ bằng cách mang đến cho họ những bữa ăn bổ dưỡng do bạn tự nấu hoặc tặng họ một phiếu mua hàng ở một cửa hàng tạp hóa địa phương. Nếu bạn sống gần đó, bạn có thể đề nghị đi dạo với họ hai hoặc ba buổi tối mỗi tuần, đây là môn thể dục vừa có lợi cho sức khỏe vừa có thể cùng nhau chuyện trò.

Vui ve ben ban be
(Ảnh: Shutterstock)

Tìm kiếm sự hỗ trợ

Một số người cảm thấy mình không thể đương đầu với mất mát ngay cả khi có sự hỗ trợ của những người khác xung quanh họ. Một số không có người thân bên cạnh hoặc thiếu kết nối với bạn bè, những người có thể nâng đỡ tinh thần và cùng họ vượt qua sóng gió.

Trong những trường hợp này, gặp gỡ bác sỹ trị liệu hoặc liên lạc với một nhóm hỗ trợ có thể giúp ích rất nhiều. Các nhóm hỗ trợ thường tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa những người có hoàn cảnh tương tự để cùng chia sẻ những câu chuyện và cách họ đã vượt qua quãng thời gian khó khăn của cuộc sống. Sự sẻ chia này cũng có thể làm nhẹ gánh nặng trong tâm chúng ta, khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta không đơn độc như chúng ta vẫn nghĩ.

Một bác sỹ trị liệu cũng có thể hỗ trợ chúng ta vượt qua nỗi buồn, hướng dẫn chúng ta thử các phương pháp khác nhau hoặc ít nhất là cho phép chúng ta nói ra những điều đang chất chứa trong tâm và rơi nước mắt, điều mà chúng ta che giấu ngay cả với những người thân thiết.

Ban be
(Ảnh: Shutterstock)

Chúng ta sẽ không còn như trước

Đau buồn thay đổi chúng ta. Nghe có vẻ tầm thường nhưng đây là điều tôi đã rút ra được sau những trải nghiệm đau thương trong cuộc đời.

Khoảng 9h sáng thứ Tư, ngày 12/5/2004, tôi gọi cho vợ từ tòa nhà nơi tôi có cuộc hội thảo với các học sinh giáo dục tại gia và nhờ cô ấy tìm một số câu hỏi tiểu luận mà tôi để quên ở nhà. Cô ấy không được khỏe, nhưng cô ấy đã tìm thấy ghi chú của tôi và đọc cho tôi thông tin tôi cần. Khi chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện, những lời cuối cùng của cô ấy với tôi là “Em yêu anh!“. Những lời cuối cùng của tôi với cô ấy là: “Anh phải đi rồi. Học sinh đang đợi anh. Hẹn gặp lại em lúc 4h.

Khi tôi về đến nhà, cô ấy đang nằm hôn mê trên sàn phòng ngủ. Thứ Hai tuần sau, cô ấy qua đời vì chứng phình động mạch não tại bệnh viện Asheville, Bắc Carolina, Mỹ.

Tôi làm sao vậy? Tại sao tôi không đơn giản trả lời rằng “Anh cũng yêu em?” Tại sao? Tại sao? Tại sao? Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi. Nó ám ảnh tôi cho đến tận ngày hôm nay. Nhưng kể từ ngày đó trở đi, chỉ có một ngoại lệ với một người thân có vẻ không thoải mái với những từ “Tôi yêu bạn”, bây giờ tôi nói “Tôi yêu bạn” mỗi khi kết thúc cuộc trò chuyện với con, cháu và nhiều bạn bè của tôi. 

đau thương
(Ảnh: Pixabay)

Đau khổ là một vị thầy

Mất mát và đau buồn để lại cho một số người sự cay đắng hoặc hoài nghi, không thể nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận cẩn thận hơn thì đau buồn lại là một người thầy tuyệt vời. Nó có thể làm sự đồng cảm và tình thương của chúng ta đối với người khác trở nên sâu sắc hơn. Nó thậm chí cho chúng ta sức mạnh để trân trọng những người đã mất, và cho phép chúng ta học hỏi từ những người đã khiến chúng ta đau khổ. 

Kate McGahan, cố vấn và tác giả của những cuốn sách về lĩnh vực này đã từng viết: “Đau buồn sẽ không buông tha bạn cho đến khi bạn thỏa mãn những gì nó đã dạy cho bạn.”

Ngay cả khi bạn giàu có và tài giỏi cũng đừng xem thường bất cứ ai
(Ảnh: Shutterstock)

Tác giả: Jeff Minick có 4 người con và nhiều cháu đang trong tuổi ăn tuổi lớn. 20 năm qua, ông dạy môn lịch sử, văn học và tiếng La tinh cho các học sinh học tại gia ở Asheville, North Carolina, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết. Hiện ông đang sống và sáng tác tại Front Royal, Virginia, Hoa Kỳ. Truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.

Ngọc Chi biên dịch (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: