Người xưa nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Việc tu thân của mỗi người có tốt hay không có thể ảnh hưởng đến việc gia đình có thịnh vượng hay không. Nếu có những thành viên nhiễm thói xấu thì chắc chắn sẽ trở nên sa sút, ảnh hưởng đến vận mệnh của gia đình.

gia đình suy bại
Quá trình suy bại của gia đình thường bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và những thói quen xấu. (Ảnh: fran_kie/ Shutterstock)

Quá trình suy bại của gia đình thường bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và những thói quen xấu. Có “hai điều cấm kỵ” mà các thành viên trong gia đình nhất định không thể phạm vào, như thế mới không khiến gia đình bị suy bại.

1. Xa hoa, phung phí

Nhà triết học Socrates đã nói: “Sự hài lòng là tài sản tự nhiên, sự xa hoa là nghèo đói giả tạo”.

Người xưa cũng có câu: Kiêu ngạo và xa hoa sẽ dẫn đến thất bại. Một khi con người đã có thói quen xa hoa, thì dù gia đình có núi vàng núi bạc thì sớm hay muộn cũng sẽ bị tiêu xài phung phí mà không còn lại gì.

Trong một gia đình, chỉ cần có người nhiễm thói xa hoa thì cả gia đình, thậm chí cả dòng họ đều sẽ bị liên lụy. 

Trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, gia tộc họ Giả có một khối tài sản đáng ghen tị, nhưng chỉ vì một số người nhiễm thói xa hoa mà cuối cùng gia tộc này đã bị hủy hoại. 

Ngọc làm nhà ở, vàng làm yên ngựa, bất quá cũng chỉ thói xa hoa. Tục ngữ có câu: Từ thanh đạm đến xa hoa thì dễ, từ xa hoa đến thanh đạm mới khó, sự suy tàn của nhiều gia đình đều xuất phát từ hai chữ xa hoa này.

Khi con người đã quen với cuộc sống xa hoa, tiêu tiền như nước thì sẽ rất khó quay lại như trước đây. Có thể một số người cho rằng một vài lần phung phí chẳng là gì cả, nhưng tích tiểu thành đại, khi sự phung phí trở thành thói quen thì đó chính là dấu hiệu cho việc gia đình sẽ rơi vào cảnh sa sút. 

Ngược lại với xa hoa là tiết kiệm. Một người dù nghèo khổ hay giàu sang, chỉ cần người đó có thể dưỡng thành thói quen tiết kiệm, thì dù họ có lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, cuộc sống của người đó cũng sẽ không đến nỗi quá tệ. 

Tiết kiệm có thể dưỡng đức, đức có thể tạo lập thân, thân chính thì việc tất thành công, việc thành công mà không xa xỉ mới tồn tại lâu dài. 

2. Thoải mái, phóng túng

Người ta thường nhắc đến cụm từ “xa hoa dâm dật”. Không khó để nhận ra rằng xa hoa và thoải mái đều là những điều cấm kỵ trong cuộc sống, thoải mái đồng nghĩa với sự hưởng thụ, lười nhác.

Khi một người đã quen với việc hưởng thụ mọi thứ, người đó sẽ dần dần không còn muốn cố gắng, họ sẽ ngừng tiến bộ. Ngược lại, họ sẽ ngày càng truy cầu sự thoải mái, phóng túng. Điều này sẽ dẫn đến gia đình ngày càng sa sút. 

Cuộc đời cũng như việc chèo thuyền ngược dòng, không tiến thì sẽ lùi, người thoải mái, lười nhác đương nhiên sẽ là người thụt lùi.

Người trí tuệ hiểu được rằng, trong thời bình vẫn cần chuẩn bị cho ngày nguy nan. Nếu chìm đắm trong cuộc sống tiện nghi thời gian dài, sẽ khó mà có thể đối mặt với sự vô thường của cuộc sống khi khó khăn, khủng hoảng ập đến. 

Tất nhiên, thoải mái không giống với hài lòng. Hài lòng là thái độ trân trọng những gì mình có, trong khi thoải mái có nghĩa là không có chí cầu tiến. 

Chỉ khi không ngừng cố gắng, chúng ta mới tìm ra lối đi cho bản thân, mới học được cách hài lòng, ít ham muốn hơn và đạt được hạnh phúc thật sự. 

Người xưa thường nói: Lo nhọc có thể làm hưng thịnh nước, nhàn dật có thể vong thân. Sự thoải mái là kẻ thù của cuộc sống, việc quen với sự thoải mái cũng là khởi đầu cho sự suy bại của gia đình. 

Khi một người biết hài lòng và dám nghĩ dám làm, tránh xa hoa và có thói quen tiết kiệm thì gia đình mới thịnh vượng và trường tồn.