Chúng ta thường nghĩ rằng đã là người trong gia đình thì khi giao tiếp không cần e ngại gì mà trực tiếp chỉ thẳng vào điểm yếu của nhau, khiến nửa kia không thể phản bác. Kỳ thực, điều này sẽ chỉ gây ra mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm lớn hơn mà thôi.

giao tiep 3
Ngoài việc bày tỏ cảm xúc khi giao tiếp, bạn còn cần bày tỏ nhu cầu, mong muốn nửa kia hành động như thế nào để không hiểu nhầm ý bạn. (Ảnh: antoniodiaz/ Shutterstock)

Chúng ta thường tỏ ra lịch sự, khách sáo và tiết chế nhiều hơn khi đối xử với người lạ. Nhưng khi đối với các thành viên trong gia đình, chúng ta lại thiếu đi sự quan tâm này, chúng ta có thể quá thẳng thắn mà dễ làm tổn thương những người thân yêu của mình. Vì vậy, mọi người thường nói rằng càng gần gũi thì càng dễ làm tổn thương nhau, bởi họ biết rõ nhất điểm yếu của bạn ở đâu và sẵn sàng chạm vào đó.

Những cặp vợ chồng đã bên nhau hơn nửa đời người đều hiểu rằng, chẳng có cặp đôi nào mà chưa từng cãi nhau. Mọi người thường nói: “Yêu nhau thì dễ, nhưng sống được với nhau lâu dài mới khó”. Bởi vì vợ chồng khó có thể ở bên nhau lâu dài mà không xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào. Hai người có tính cách khác nhau, suy nghĩ khác nhau, cảm xúc khác nhau thì làm sao họ có thể luôn có thể hành xử đúng đắn vào mọi thời điểm được. Vì vậy, những ý kiến bất đồng, những cảm xúc bất hoà, trạng thái không vừa lòng sẽ xảy ra, thậm chí trở thành quen thuộc hàng ngày. 

Vì vậy, chúng ta cần tự nhắc nhở mình không nên quá tuỳ tiện mà quên đi lễ tiết khi giao tiếp với các thành viên trong gia đình. Hai tình huống sau đây là những cuộc đối thoại có thể xảy ra giữa vợ chồng, bạn có thể quan sát để tránh gặp những mâu thuẫn như vậy. 

Tình huống 1: Có nên mua nhà hay thuê nhà?

Hai vợ chồng đang bàn về vấn đề mua nhà, người vợ mong sớm có được nhà riêng, cô ấy hy vọng có thể vay ngân hàng để mua nhà, rồi sau đó hoàn trả dần dần khoản tiền vay, bởi 2 vợ chồng đều đang có công việc ổn định. Tuy nhiên, người chồng nghĩ rằng một khi mua nhà sẽ khiến 2 vợ chồng sống không được thoải mái, cuộc sống sẽ rất căng thẳng, nên anh không đồng ý mua nhà lúc này.

Người vợ cho rằng mua nhà là một khoản đầu tư cần thiết, có thể tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống trong tương lai. Nhưng người chồng lo lắng việc mua nhà sẽ gây căng thẳng và gánh nặng tài chính, nên cho rằng thuê nhà ở sẽ thích hợp hơn. Trong tình huống ý kiến ​​trái ngược nhau như thế này, nếu không có sự giao tiếp một cách lý trí thì rất dễ xảy ra cãi vã.

Vợ: “Sao anh lại phản đối chứ? Chúng ta nên mua nhà ngay bây giờ, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ có được nhà riêng. Anh muốn thuê nhà suốt đời à?”

Chồng: “Mua nhà rất rủi ro và chúng ta không nên hành động hấp tấp vì nó sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều áp lực về tài chính”.

Cách đối thoại này dễ làm xung đột trở nên gay gắt hơn, người vợ mạnh mẽ bày tỏ quan điểm của mình, còn người chồng hoàn toàn phủ nhận ý kiến ​​của người vợ, dẫn đến hai bên giao tiếp không hiệu quả, dễ gây ra bất đồng, xung đột. 

Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu thay đổi một chút như sau: 

Vợ: “Em biết mua nhà là một quyết định quan trọng, nhưng em nghĩ đó là một khoản đầu tư đảm bảo. Sở hữu một ngôi nhà có nghĩa là chúng ta sở hữu một căn nhà riêng cho mình, thay vì lúc nào cũng đi thuê nhà bên ngoài. Chúng ta có thể suy nghĩ kỹ và tìm hiểu xem có căn nhà và phương thức vay vốn nào phù hợp với chúng ta hay không?”

Chồng: “Anh hiểu ý em, nhưng anh cũng có một vài lo lắng. Chúng ta cần xem xét tình trạng tài chính và chất lượng cuộc sống hiện tại. Có lẽ chúng ta có thể tiếp tục thuê nhà, tiết kiệm một ít tiền rồi mới tính đến việc mua nhà”.

Thông qua kiểu đối thoại này, người vợ thể hiện sự tôn trọng ý kiến ​​​​của chồng, người chồng cũng bày tỏ quan điểm riêng của mình và cả hai tìm thấy những điểm chung trong giao tiếp. Cách tiếp cận này tốt hơn trong việc tránh làm sự bất đồng của hai bên trở nên trầm trọng hơn, đồng thời tìm ra giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận. 

Tình huống 2: Làm sao để người chồng về nhà sớm

Người vợ hy vọng chồng có thể về nhà sớm để dành thời gian cho gia đình, nhưng người chồng cảm thấy anh cần xã giao bên ngoài và cần có thời gian tự do của bản thân. 

Vợ: “Anh luôn uống rượu với bạn bè tới khuya, anh không quan tâm đến gia đình và con cái của chúng ta chút nào sao? Anh thực sự không có ý thức với gia đình”.

Chồng: “Anh cần chút thời gian cá nhân của mình. Anh không muốn bị em kiểm soát như vậy. Anh cũng cần ra ngoài thư giãn cùng bạn bè chứ”.

Cách đối thoại kiểu này sẽ khiến cả hai bên trở nên dễ kích động hơn và chuyển sang công kích, buộc tội lẫn nhau, mà không có sự giao tiếp và giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Nếu thay đổi cách đối thoại một chút, bạn có thể tránh được những cuộc cãi vã và càng hiểu rõ hơn về cảm xúc, nhu cầu của người bạn đời.

Vợ: “Em mong anh có thể về nhà sớm để dành thời gian cho chúng ta, vì điều đó sẽ tạo ra nhiều thời gian cho gia đình hơn. Nhưng em cũng biết anh cần chút thời gian rảnh rỗi cho bản thân, điều này cũng rất quan trọng. Chúng ta có thể thảo luận xem có cách nào cân bằng tốt hơn giữa gia đình và thời gian cá nhân hay không?”

Chồng: “Anh hiểu ý của em, anh cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhưng đôi khi anh cần ra ngoài và tụ tập với bạn bè. Anh nghĩ chúng ta có thể lập một lịch trình phù hợp để anh có đủ thời gian cá nhân, nhưng cũng có thể dành nhiều thời gian cho gia đình nhất có thể.” 

Nêu rõ nhu cầu cụ thể của bạn, tránh để người ấy hiểu nhầm

Bạn hãy thử thực hành nhiều cách đối thoại giữa hai người, thậm chí hãy để sự bất mãn trở thành biểu hiện của sự giao tiếp, chứ không phải là vũ khí làm tổn thương nửa kia. Cho phép vợ/chồng có quyền tức giận, có quyền bày tỏ sự không vui, không hài lòng và không thoải mái, nhưng đừng để nửa kia làm tổn thương mình. 

Tiền đề là hai người cần có sự tin cậy lẫn nhau và quy tắc là khi cãi nhau là cần nói ra sự thật, chứ không chỉ nói ra cảm xúc, tránh cho nửa kia không hiểu được dẫn đến những hiểu nhầm không đáng có.

giao tiep 2
Khi các cặp đôi mâu thuẫn, nguyên nhân thường là do cảm xúc không được thỏa mãn, vì vậy khi bày tỏ cần tránh một số tình huống để không mất tập trung vào vấn đề và gây tổn hại lớn hơn. (Ảnh: SeventyFour/ Shutterstock)

Trên thực tế, những cuộc cãi vã thường xuất phát từ sự bất mãn, vì vậy khi bày tỏ, bạn phải tránh những tình huống sau để tránh mất tập trung vào vấn đề trọng tâm và gây tổn hại lớn hơn: 

1. Công kích và đổ lỗi cho nhau khi cãi vã 

Điều này khiến bạn xem nhẹ cảm xúc, lập trường của nửa kia, khiến mâu thuẫn, xung đột trở nên căng thẳng và gay gắt hơn. Nửa kia cũng cần có cơ hội thể hiện bản thân và tìm kiếm sự thấu hiểu một cách sâu sắc hơn. 

2. Ngôn ngữ quá tuyệt đối 

Giống như cách nói, “anh không bao giờ như thế nào đó” hay “em luôn luôn như vậy”. Ngôn ngữ kiểu như vậy thường khiến nửa kia cảm thấy không thể phản bác lại, vô tình điều này lại làm sâu sắc thêm sự đối kháng và bất mãn. Ví dụ: “Anh không bao giờ làm việc nhà, mỗi ngày em đều làm trâu làm ngựa ở nhà.” Kiểu ngôn ngữ này có thể khiến cho nửa kia có cảm giác bị chỉ trích hoặc bất lực. 

3. Khi giải quyết vấn đề không tìm ra bản chất và gốc rễ của vấn đề 

Nếu bạn chỉ lặp lại những sai lầm và mâu thuẫn trong quá khứ, mà không rút được kinh nghiệm, cũng không sẵn sàng hay nỗ lực cải thiện, phối hợp với vợ/chồng thì không cách nào giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

4. Chỉ tập trung vào quyền lợi và lập trường của mình và bỏ qua xem nhẹ cảm xúc của nửa kia

Thông thường bản chất con người sẽ bày tỏ sự bất bình và uỷ khuất của mình trước, hơn nữa, chỉ tập trung vào lập trường và quyền lợi của mình, nhưng điều này sẽ chỉ làm tăng thêm sự bất mãn của nửa kia.

Lời khuyên là khi xảy ra tranh luận, đầu tiên hãy hít một hơi thật sâu, lắng nghe những gì nửa kia nói, đặt tình tình cảm giữa hai người lên hàng đầu và quan tâm đến nửa kia, như vậy bạn mới có thể tiếp tục giao tiếp hiệu quả. 

giao tiep 1
Khi xảy ra tranh luận, hãy lắng nghe những gì đối phương nói, đặt tình cảm giữa hai người lên hàng đầu và quan tâm đến nhau, như vậy mới có thể tiếp tục giao tiếp hiệu quả. (Ảnh: Dmytro Zinkevych/ Shutterstock)

5. Ngắt lời người khác 

Liên tục ngắt lời nửa kia và chỉ nhấn mạnh sự không hài lòng, bất bình của bản thân, cách giao tiếp này dễ khiến nửa kia cảm thấy “Tôi không muốn nói chuyện nữa”. 

Ngoài việc bày tỏ cảm xúc khi giao tiếp, bạn còn nên bày tỏ nhu cầu và mong muốn nửa kia hành động như thế nào để họ không hiểu nhầm ý bạn. 

Phụ nữ thường sẽ không trực tiếp nói ra mong muốn, nhu cầu của bản thân, mà có xu hướng để người chồng hay người yêu đoán. Họ nghĩ rằng, như vậy mới thể hiện được nửa kia quan tâm và yêu thương mình. Nên có rất nhiều người đàn ông bối rối sau khi người vợ hay người yêu của mình bày tỏ thái độ, họ không biết phải làm sao để nửa kia hài lòng. Nếu hỏi: “Rốt cuộc, em muốn anh làm gì?” thì hẳn là người phụ nữ sẽ tỏ ra tức giận và trả lời: “Anh phải biết nên làm gì chứ!” Khi đó nếu người đàn ông không nhạy cảm có thể lại làm điều gì đó khiến nửa kia không vui.

Trong cuộc sống những trường hợp tương tự như trên có rất nhiều, kết quả là người chồng tặng vợ một bó hoa, người vợ thất vọng và nói rằng cô ấy không muốn điều này. Kỳ thực, cô ấy nên bày tỏ nhu cầu của mình, chẳng hạn như “Em mong chúng ta có thể dành nhiều thời gian bên nhau hơn để hiểu nhau nhiều hơn. Sau này, chúng ta có thể ăn tối cùng nhau ít nhất 2 ngày trong tuần và mỗi ngày có thể trò chuyện 10 phút trước khi đi ngủ được không anh?” Nêu rõ những nhu cầu cụ thể như thế này, nửa kia mới có thể hiểu và biết mình nên cải thiện và thay đổi như thế nào.

Dù gia đình nào cũng có những kinh nghiệm riêng để kết nối và chia sẻ giữa hai vợ chồng, nhưng trước tiên hai vợ chồng cần “tôn trọng” lẫn nhau. Chỉ khi hai bên bày tỏ nhu cầu, quan điểm của mình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau thì nửa kia mới có thể tiếp nhận và thay đổi.