Nhiều bậc phụ huynh bị giới hạn việc tập luyện vì con cái. Thay vì chỉ nhìn vào mặt khó khăn, bạn hãy nghĩ ra những bài tập mà bọn trẻ cũng tập cùng được, hoặc bạn hãy coi chúng là động lực tuyệt vời để bạn tập luyện. Điều quan trọng là bạn phải sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh các bài tập cho phù hợp với trẻ.

1. Tập với trẻ sơ sinh

Làm thế nào để cùng tập thể dục với con cái ở mọi lứa tuổi?
(Ảnh: Shutterstock)

Các bé rất dễ bị mê hoặc bởi các động tác di chuyển của mẹ. Bạn chỉ cần trải thảm ra, rồi để thêm một tấm chăn dày để bé nằm bên cạnh. Bạn cũng có thể tập thể dục trên máy chạy bộ, xe đạp tại chỗ, cardio. Nếu em bé không vui, hãy lấy xe đẩy để đưa bé đi cùng khi bạn tập thể dục bằng cách đi bộ.

Khi bạn tập, hãy cho con tập bài thể dục phù hợp song song với bạn. Cho bé nằm sấp (tummy time) là một hoạt động đơn giản với việc mẹ để bé nằm sấp trên một mặt phẳng vững chắc, bằng phẳng để hỗ trợ và nâng cao độ cứng cáp, dẻo dai của cổ, vai, đầu và tay.

Hướng dẫn cho bé sơ sinh tập nằm sấp:

– Có thể tập cho bé ngay từ khi mới chào đời, sau khi ở viện về và bé đã đi vào nề nếp sinh hoạt.

– Cho bé tập từ 10-15 phút mỗi ngày và chia ra làm nhiều lần, mỗi lần chỉ từ 1-3 phút, tùy thuộc vào việc bé có thể hợp tác trong bao lâu.

– Với các bé 1 tháng tuổi, thời gian con nằm sấp được rất ít do bé chỉ thức được không lâu. Vì thế tranh thủ lúc này mẹ hãy trò chuyện với bé hoặc hát cho bé nghe hay bật nhạc trong lúc bé đang tập.

– Các bé từ 2 tháng tuổi trở lên mẹ có thể kết hợp với các trò chơi như cho bé nhìn tranh, sách màu to, rõ ràng, cho bé ngắm mình trong gương, giơ đồ vật cho bé nhìn theo,…

Lợi ích của hoạt động nằm sấp:

– Nhờ động tác nằm con sẽ tránh được hiện tượng bẹp đầu.

– Các cơ của con cứng cáp hơn, chuẩn bị nền tảng cho con tập lẫy, bò, …

– Hoạt động này giúp con cảm thấy phải sử dụng sức lực nhiều hơn bình thường, do đó, tập xong dù hơi mệt nhưng bé sẽ ngủ ngon hơn.

2. Tập với trẻ mới biết đi

Làm thế nào để cùng tập thể dục với con cái ở mọi lứa tuổi?
(Ảnh: Shutterstock)

Khi con bạn biết đi, chúng sẽ không chịu ngồi yên nữa đâu. Điều này có thể khiến cho việc tập luyện của bạn trở nên khó khăn hơn, nhưng nếu đã không cản được chúng, hãy tham gia cùng luôn đi. Tận dụng được sở thích chạy nhảy, leo trèo của con, bạn cũng có thể tập luyện các bài tập của mình. Ví dụ như con thích nhảy, bạn hãy chọn bài tập bật nhảy vỗ tay. Hãy thử chia nhỏ các bài tập của bạn thành các phân đoạn từ 5 đến 10 phút rồi bảo bé tập cùng (chắc chắn con bạn sẽ sớm mất tập trung rồi chạy loanh quanh bạn, nhưng còn hơn là chúng chạy ra khỏi tầm kiểm soát).

3. Tập với trẻ học cấp 1-2

Làm thế nào để cùng tập thể dục với con cái ở mọi lứa tuổi?
(Ảnh: Shutterstock)

Khi con bạn lớn hơn một chút, chúng sẽ bắt đầu hiểu tập luyện là gì và tại sao bạn lại tập nó. Vì vậy, bây giờ là thời điểm hoàn hảo để dạy con những tác dụng tốt của việc tập thể dục và tiện thể biến chúng thành một phần trong các hoạt động của cả gia đình. Hãy dẫn con đi dạo, đi bộ hoặc đi xe đạp ở ven hồ, khu phố đi dạo, sân chơi trong khu dân cư. Nếu con quan tâm đến bài tập nâng tạ, hãy dạy con cách thực hiện một cách an toàn bằng những quả tạ nhỏ vừa sức. Bạn cần đảm bảo các bài tập thật dễ dàng và vui vẻ để con không thấy chán nản.

4. Tập với thanh thiếu niên

Làm thế nào để cùng tập thể dục với con cái ở mọi lứa tuổi?
(Ảnh: Shutterstock)

Ở độ tuổi này mà đi tập thể thao, con của bạn sẽ đi với bạn bè chứ chẳng ngó ngàng đến ba mẹ nữa đâu. Nói vậy không có nghĩa là bạn không thể hẹn con đi dạo vào buổi tối hoặc cuối tuần. Kết hợp dịp tập luyện để tâm sự, chia sẻ những việc xảy ra trong ngày với nhau, đứa trẻ “to xác” của bạn sẽ dần thấy trân quý và yêu thích các buổi tập luyện cùng bạn. Với trẻ ở tuổi thanh thiếu niên, bạn cần để ý tín hiệu từ chúng để tìm ra những cách mới để kết nối và giao tiếp. Bạn có thể quan sát xem con hay tập cầu lông, tennis hoặc chạy bộ để đi tập cùng. Đôi khi những trải nghiệm mới cũng làm cuộc sống của ba mẹ vui vẻ hơn, vậy nên bạn đừng ngại thử làm những hoạt động con cái yêu thích.

Minh Minh

Xem thêm: