Sinh, lão, bệnh, tử là những giai đoạn không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Con người dù thọ bao nhiêu tuổi thì cuối cùng cũng sẽ “nhắm mắt xuôi tay”. Khi đối mặt với biến cố trọng đại của cái chết, mọi người đều sẽ ít nhiều cảm thấy tiếc nuối về cuộc đời.

hối tiếc
Nhà văn người Úc Bronnie Ware, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc cuối đời, đã tiết lộ điều hối tiếc lớn nhất trước lìa đời. (Ảnh: Alicia G. Monedero/ Shutterstock)

Cô Bronnie Ware, một nhà văn người Úc kiêm chuyên gia chăm sóc cuối đời với nhiều năm kinh nghiệm, đã viết một cuốn sách tiết lộ những điều hối tiếc mà mọi người thường nhắc đến nhất trước khi qua đời. Có lẽ những người sống vẫn còn cơ hội suy ngẫm, vãn hồi, và không để những điều tiếc nuối có thể xảy ra sẽ trở thành sự thực.

Cô chăm sóc những bệnh nhân từ bệnh viện trở về nhà chờ chết trong nhiều năm. Cô đã đồng hành cùng họ trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc của mình, Ware đã viết cuốn sách bán chạy nhất có tên “The Top Five Regrets of the Dying” (5 điều hối tiếc nhất trước khi chết) và chia sẻ một phần nội dung trên trang web cá nhân của cô.

Ware cho biết, con người sẽ trưởng thành hơn rất nhiều khi họ đối mặt với cái chết của chính mình. Cô học được cách không đánh giá thấp khả năng phát triển của người khác. Khả năng thay đổi ở một số người rất đáng kinh ngạc.

Mỗi người sẽ trải qua nhiều cảm xúc trước khi chết như phủ nhận, sợ hãi, giận dữ, hối hận, nhưng cuối cùng họ vẫn chấp nhận sự an bài của số phận và ra đi thanh thản.

Khi đối mặt với tử thần và được hỏi họ có hối tiếc điều gì trong cuộc sống hay không, họ thường nói những điều tương tự. Ware thường gặp 5 điều hối tiếc phổ biến nhất, và điều hối tiếc số một là “Tôi ước gì mình có đủ can đảm để sống cuộc sống của chính mình, chứ không phải cuộc sống mà người khác mong đợi ở tôi.”

Cô chỉ ra rằng đây là sự hối tiếc cuối đời phổ biến nhất. Khi mọi người nhận ra rằng cuộc sống của họ sắp kết thúc, và nhìn lại cuộc sống này một cách rõ ràng, họ sẽ dễ dàng nhận thấy còn bao nhiêu ước mơ chưa được thực hiện. Thậm chí hầu hết mọi người không thực hiện được một nửa trước khi phải lìa đời.

Cô nói điều quan trọng là cố gắng thực hiện một số ước mơ của bạn trong suốt cuộc đời. Đến khi mất đi sức khỏe thì đã quá muộn. Sức khỏe mang lại sự tự do mà ít người biết đến cho đến khi đánh mất nó.

hối tiếc
Bệnh nhân và người nhà nắm tay nhau. (Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

Ngoài ra, một bác sĩ tên là Sarah Wells cũng viết một bài báo trên tờ “Daily Telegraph” của Anh rằng cô có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc cuối đời. Cô đã chăm sóc cho 2.000 bệnh nhân nguy kịch và cũng đã chứng kiến ​​sự ra đi của họ.

Cô nói, hầu hết những người sắp chết đều hối tiếc, và điều hối tiếc lớn nhất của họ là không dành đủ thời gian cho gia đình. Không ai nói rằng họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Họ tin rằng hy sinh cuộc sống gia đình để theo đuổi thành công trong sự nghiệp sẽ dẫn đến nỗi đau buồn lớn lao.

Cô cũng cho biết, một trong những dấu hiệu mà cô nhận thấy ở mọi người trước khi chết, là họ bắt đầu nói về những người thân yêu mà họ từng gặp đã qua đời, như mẹ họ, những đứa trẻ chết khi còn nhỏ và thậm chí cả thú cưng.

Dù niềm tin của họ là gì, họ cũng cảm thấy những cảnh tượng mà họ nhìn thấy mang lại sự an ủi. Lúc này, cô biết thời gian của họ sắp hết.

Trước khi chết, bạn hối tiếc nhất điều gì?

Nhà tâm lý học kiêm nhà văn người Mỹ Michael Gervais đã viết trên trang web CNBC rằng thời gian là nguồn tài nguyên quý giá nhất của con người. Một khi hiểu được điều này, sẽ không còn khoảng cách giữa điều bạn muốn làm và điều bạn thực sự làm.

Ông Gervais nói: Bạn không cần phải đợi đến tương lai để nhìn lại và xem mình muốn cải thiện như thế nào. Bạn có thể bắt đầu hành động ngay hôm nay. Chỉ cần tự hỏi bản thân bạn đang hối tiếc điều gì vào lúc này.

Ông cho biết, sự khác biệt lớn giữa hiện tại và tương lai là bạn vẫn có khả năng thực hiện những thay đổi ngay hôm nay.

Ông khuyên mọi người nên thực hiện một bài tập mà ông ấy yêu thích: Khi bạn nói “tạm biệt” với ai đó, hãy hình dung như thể bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ, và bày tỏ rằng bạn đánh giá cao họ trong suốt thời gian quen biết họ.

Cuối cùng ông kết luận: “Hôm nay hãy bắt đầu với một người, ngày mai là hai người. Hãy tiếp tục làm việc đó cho đến khi nó trở thành thói quen hàng ngày của bạn.”