Bộ TT&TT đã có quy định về việc không nhập thiết bị điện thoại 2G với mục đích đến tháng 9/2024 – khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, Việt Nam sẽ không còn điện thoại di động mạng 2G.

tắt sóng mạng 2G
Đến tháng 9/2024, thời điểm giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, Việt Nam sẽ không còn điện thoại di động mạng 2G (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nói tại Họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện. Do đó, Bộ này sẽ triển khai quy hoạch lại và tần số này sẽ không còn phục vụ cho máy 2G. Các nhà mạng sẽ có chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang thiết bị 4G.

“Bộ sẽ có giải pháp xử lý để đảm bảo đến thời điểm tháng 9/2024 khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn thì sẽ không còn máy 2G. Mục tiêu của việc này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số”, ông Long nói.

Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7/2021 phải được tích hợp công nghệ công nghệ 4G. Các điện thoại sử dụng công nghệ 2G không được nhập khẩu, sản xuất.

Đồng thời, Bộ này cho biết sẽ thanh tra ở các địa phương về tình trạng nhập thiết bị máy điện thoại 2G không chính thức trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Long, để người dân mất liên lạc, các nhà mạng cũng đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước cho khách hàng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ thiết bị 2G sang 4G.

Trước đó, Bộ TT&TT đã làm việc các doanh nghiệp di động và thống nhất về lộ trình dừng công nghệ di động 2G.

Tắt sóng để tạo ‘miếng bánh’ 3G, 4G?

2G là thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation). Các công nghệ 2G cho phép các nhà mạng cung cấp các dịch vụ như tin nhắn văn bản (SMS), tin nhắn hình ảnh và tin nhắn đa phương tiện (MMS).

Sau khi ra đời, 2G phát triển với một tốc độ nhanh chóng, có mặt ở 140 quốc gia, lên tới gần 1 tỷ thuê bao.

Mạng 3G sau đó ra đời, khắc phục việc mạng 2G không thể cho phép truyền cả dữ liệu ngoài thoại như tải dữ liệu, email, truy cập internet…  Với công nghệ 3G, các nhà mạng cung cấp các dịch vụ đa phương tiện, như email, dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí (âm nhạc, video, trò chơi điện tử…).

Tuy nhiên, 2G vẫn hữu ích cho người dùng các dòng điện thoại phổ thông, tập trung ở nhóm người có thu nhập thấp (đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) và nhóm hạn chế dùng điện thoại thông minh (người già, trẻ em).

Ý tưởng tắt sóng 2G đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất với Bộ TT-TT vào cuối năm 2015, đầu năm 2016. Việc tắt sóng 2G nhằm thu hồi băng tần 900MHZ đang sử dụng cho mạng 2G để dùng cho mạng 4G, 5G.

Trên thực tế, việc tắt sóng 2G còn tạo ra thị phần dịch vụ viễn thông lớn. Do cả 3G và 4G đều là data nên tổng số thuê bao sử dụng data sau chuyển dịch là không thay đổi. Trong khi thuê bao 2G mới chỉ phục vụ nhu cầu dùng voice (gọi), do đó dư địa cho “miếng bánh” data là rất lớn. Thay vì “kéo” các thuê bao 2G chuyển lên 3G, 4G theo cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng, dùng chính sách tắt sóng 2G sẽ trực tiếp đẩy người dùng vào việc buộc phải sử dụng 3G, 4G.

 

Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn thông tin một khảo sát về tỷ lệ sử dụng smartphone tại các địa phương cho thấy có 25 địa phương tỷ lệ smartphone trên 80%. Trong khi đó, còn 38 địa phương có tỷ lệ smartphone dưới 80% như: Tuyên Quang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Điện Biên, Nam Định, Tiền Giang, Thanh Hóa, Hậu Giang, Trà Vinh, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Bình…

Bảo Khánh