Thông qua việc sử dụng chùm radar không mạnh bằng lò vi sóng, các nhà nghiên cứu đã tạo ra bức ảnh độ phân giải cao nhất của Mặt Trăng chụp từ Trái Đất, theo tờ Live Science.

Bức ảnh mới được công bố hôm 10/1 tại cuộc họp lần thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ (AAS) ở Seattle, Washington, trong đó ghi lại địa điểm hạ cánh của nhiệm vụ Apollo 15 của NASA cũng như miệng hố Tycho, một vùng va chạm nổi bật ở cao nguyên phía nam Mặt Trăng.

Nhóm nghiên cứu đã chụp các bức ảnh thông qua sử dụng kính viễn vọng Green Bank (GBT) đường kính 100 m ở Tây Virginia, kính viễn vọng vô tuyến có thể chỉnh hướng lớn nhất thế giới, theo Patrick Taylor, quản lý bộ phận radar ở Đài quan sát Green Bank và Đài quan sát thiên văn học vô tuyến quốc gia (NRAO). GBT chiếu sóng vô tuyến rọi sáng Mặt Trăng. Âm phản xạ của chúng được thu bởi cụm 4 kính viễn vọng vô tuyến 25 m ở Mảng kính thiên văn đường cơ sở dài tại Hilo, Hawaii.

Trong suốt quá trình chụp ảnh, một thiết bị radar nguyên mẫu trên GBT truyền 700 watt điện, tương đương thiết bị gia dụng hoặc một chùm bóng đèn, theo Taylor. Tuy nhiên, nó có thể phát hiện những đặc điểm nhỏ cỡ 1,5 m xung quanh vị trí hạ cánh của tàu Apollo 15 và vật thể nhỏ 5 m ở miệng hố Tycho.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng thiết bị nhằm thu dữ liệu về tiểu hành tinh đường kính 1 km bay qua Trái Đất ở khoảng cách gấp 5 lần quãng đường giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Do kích thước và quỹ đạo của nó, tiểu hành tinh này được xếp vào nhóm có thể gây nguy hiểm. Nhưng Taylor cho biết hiện nay vật thể không đe dọa Trái Đất. Thiết bị không chỉ trông thấy tiểu hành tinh mà còn xác định được kích thước, tốc độ, vòng quay, thành phần cấu tạo và cách ánh sáng phân tán từ bề mặt của nó.

Phan Anh

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đạt đến sự tôn nghiêm