Đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử ở Mỹ đã tạo nên một năm 2020 đầy bê bối của Facebook (cũng như các mạng xã hội khác như Twitter), khi ông lớn này phải vật lộn với vấn đề thông tin sai lệch.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một đảng viên đảng Dân chủ Connecticut, cáo buộc ông Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook và ông Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter đã xây dựng “những công cụ thuyết phục và thao túng đáng sợ”. Ông Blumenthal nói với các giám đốc điều hành trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hồi tháng 11 vừa qua rằng: “Thông tin sai lệch có tính chất phá hoại là một tai họa không chỉ trên nền tảng của các vị, mà còn trên những nền tảng khác.”
Facebook
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg – nhân vật quen thuộc tại Quốc hội Mỹ trong năm 2020. (Ảnh: Frederic Legrand/Shutterstock)

Dưới đây là một số sự kiện bê bối nhất của Facebook trong năm 2020:

Đưa các thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19

Thông tin sai lệch từ lâu đã trở thành một vấn nạn không nhỏ đối với mạng xã hội. Tuy nhiên, vào năm 2020, chúng đã trở thành vấn đề nổi cộm hơn bao giờ hết. Virus corona đã tạo ra một loạt các thông tin sai lệch làm tăng khả năng gây hại cho người truy cập Facebook.

Những quan điểm rằng uống thuốc tẩy có thể chữa khỏi virus là những thông tin gây lo lắng trong cộng đồng. Thông tin sai lệch về giãn cách xã hội gây ra lo ngại nhiều hơn về nguy cơ lây lan virus. Và những bình luận phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á do đại dịch gây ra, đã lan truyền trên Facebook và “nhảy” vào thế giới thực.

p2667431a460598612 ss
(Ảnh minh họa: Pang Dawei/Vision Times)

Facebook đã “ngăn chặn” thông tin sai lệch về virus hơn là về những lời nói dối chính trị nhưng cả hai đều tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội. Facebook và Twitter đã xóa video, bao gồm một số video được chia sẻ bởi Tổng thống Donald Trump và các chính trị gia khác, gồm cả tuyên bố cho rằng trẻ em gần như miễn nhiễm với virus.

Đại dịch cũng thay đổi cách mọi người xã hội hóa và làm việc. Facebook, giống như các công ty công nghệ lớn khác, đã hủy bỏ hội nghị nhà phát triển hàng năm của mình, chuyển sang các sự kiện ảo để công bố sản phẩm mới.

Facebook can thiệp “mạnh tay” vào cuộc bầu cử Mỹ 2020

Facebook và các mạng xã hội khác như Twitter phải đối mặt với những cáo buộc về hành vi gian lận cử tri, bao gồm nhiều thông tin do ông Trump đăng. Một ví dụ điển hình phải kể đến là vào hôm 3/11 vừa qua, hai gã khổng lồ công nghệ Facebook và Twitter đã bổ sung nội dung kiểm duyệt với nhãn “Xác minh tính xác thực” vào bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có bình luận về công tác bầu cử tại tiểu bang Pennsylvania.

Facebook Twitter kiem duyet manh tay thong tin bau cu My 1
(Ảnh chụp màn hình: realDonaldTrump/Twitter)

Facebook gắn nhãn trạng thái với một lời nhắc chung gửi người dùng, trong đó nêu rằng cả 2 hình thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu trực tiếp đều có lịch sử đáng tin cậy trong thời gian dài. Ở Mỹ, gian lận cử tri là cực kỳ hiếm với bất kỳ phương thức bỏ phiếu nào. Tuy nhiên, nhãn dán từ Facebook không ngăn cản người dùng chia sẻ bài đăng của Tổng thống Trump với con số lên tới 60.000 lần.

Trên Twitter, bài đăng tương tự được “tweet” lại hơn 8.000 lần trước khi bị dán nhãn là “bị tranh chấp”, một động thái khiến việc chia sẻ bài đăng trên nền tảng trở nên khó khăn hơn. Nền tảng xã hội này cũng hiển thị thông báo bên cạnh tweet của ông Trump cho biết một số nội dung “bị tranh chấp và có thể gây hiểu lầm về cuộc bầu cử hoặc quy trình dân sự.”

Trước động thái từ Facebook và Twitter, bà Samantha Zager, phó thư ký truyền thông trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết: “Mafia ở Thung lũng Silicon tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử, liên tục kiểm duyệt Tổng thống Trump và những người thuộc đảng Cộng hoà.” Trước đó, Facebook đã gỡ nội dung quảng cáo có trong chiến dịch tranh tranh cử của Tổng thống Trump vì cho rằng điều này đã vi phạm đến chính sách mới của mình.

CEO Facebook trở thành nhân vật quen thuộc trong các phiên điều trần tại Quốc hội

Trong suốt năm 2020, Zuckerberg đã xuất hiện trước các nhà lập pháp trong các phiên điều trần của Quốc hội. Đầu tiên, vào tháng 7/2020, tập trung vào việc liệu các “gã khổng lồ” công nghệ có lạm dụng quyền lực hay không. Giám đốc điều hành Amazon – Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Apple – Tim Cook và Giám đốc điều hành Google – Sundar Pichai đã tham gia cùng ông Zuckerberg để đối mặt với các thành viên của tiểu ban chống độc quyền Hạ viện. Những người đã cáo buộc các công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh.

Lần thứ hai, Zuckerberg đã trở lại Quốc hội vào tháng 10/2020 để tham gia phiên điều trần ảo về Điều 230, một luật liên bang bảo vệ các nền tảng internet khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng tạo. Ông cho hay, Quốc hội nên cập nhật luật để đảm bảo các mạng xã hội hoạt động ổn định hơn. Các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Zuckerberg, Dorsey và Pichai về cách những “ông lớn” công nghệ này kiểm soát nội dung. Theo Đảng Cộng hòa, các bài phát biểu của họ đang bị kiểm duyệt, mặc dù các công ty phủ nhận các cáo buộc thiên vị chính trị.

Sau Ngày bầu cử, ông Zuckerberg xuất hiện lần thứ ba, trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Trong phiên điều trần, đảng viên Đảng Cộng hòa lập luận rằng các công ty mạng xã hội là nhà xuất bản và không nên được bảo vệ bởi Điều 230. Tuy nhiên, ông Zuckerberg lại tỏ ra bao biện và phủ nhận điều này khi cho rằng Facebook không hề tạo ra nội dung. Trong khi đó, Tổng thống Trump những người ủng hộ cho rằng Điều 230 nên bị loại bỏ bởi nó đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: