Tác giả cuốn “Tiểu sử Elon Musk” xuất bản ngày 12/9 là nhà văn nổi tiếng Walter Isaacson – người từng viết về những nhân tài như Steve Jobs và Einstein, gần đây đã cho hay trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí New Weekly: “So với những nhà đổi mới khác, Musk càng xứng là người mang sứ mệnh vĩ đại…, cho dù sáng tạo đầy táo bạo của Musk có thể thất bại, nhưng điều đó đưa loài người đến gần hơn vài bước để thực hiện những khát vọng.”

GettyImages 1395371343
Musk cho rằng trong vũ trụ bao la này, loài người hoàn toàn có thể tìm thêm “ngôi nhà” mới . (Ảnh: Dimitrios Kambouris/ Getty Images cho The Met Museum/Vogue)

Khi Musk có kế hoạch mua lại Twitter, ông nhằm vào chống lại “đúng đắn về chính trị” (Văn hóa thức tỉnh – Woke culture) và bầu không khí văn hóa “cánh tả” của Twitter để bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận; khi Musk được thôi thúc mạnh mẽ muốn biến loài người trên Trái đất thành loài đa hành tinh và đảm bảo rằng AI (trí tuệ nhân tạo) có lợi cho loài người; khi Musk tự tin dõi theo chuỗi vệ tinh (Starlink, do công ty SpaceX xây dựng) lung linh trên không gian bao la, thành công về hiệu suất phân rã tự động của tên lửa Falcon 9; hay như việc đặt tên cho một trong 10 đứa con của mình là “X” (cùng tên với nền tảng mạng xã hội X – tức Twitter trước đây – của ông)…., chúng ta có thầm cảm thấy rằng chỉ có Musk mới có thể vượt qua “Musk”?

Nhìn thế giới từ góc độ vật lý

Trong hai năm qua, mỗi tháng nhà văn Isaacson đều dành trọn một tuần để “gắn kết” với người đàn ông giàu nhất thế giới này nhằm dõi theo ​​mọi khía cạnh trong cuộc sống của ông. “Hầu như toàn thời gian của ông ấy dành cho các cuộc họp và trong nhà máy. Musk không chỉ quan tâm đến sản phẩm mà còn nhất quyết tìm hiểu cách thức sản xuất những sản phẩm”.

Musk ngưỡng mộ lĩnh vực vật lý và thường nói về những nguyên lý đầu tiên (first principle). Cách nghĩ về nguyên lý này là nhìn thế giới từ góc độ vật lý, tức là đi sâu vào bản chất rồi bóc từng lớp kén ra.

Ví dụ, một chiếc ô tô điện cần pin 85kW.h, tuy nhiên nguyên liệu thô để sản xuất pin 1kW.h được bán trên thị trường với giá lên tới 600 USD thì chỉ cần 82 USD là mua được. Điều này cho thấy nguyên nhân chính khiến pin đắt là do cách kết hợp của nguyên liệu thô chứ không phải vấn đề về nguyên liệu.

Vậy là Musk đã nói chuyện với nhà thiết kế, rồi lại hỏi các công nhân trên dây chuyền lắp ráp tại sao quá trình sản xuất lại mất nhiều thời gian như vậy, và tại sao thiết kế của van không thể đơn giản hơn.

Trong cuốn sách mới của mình, Isaacson kết luận: “Giống như Henry Ford, Musk không chỉ hiểu sâu về tầm quan trọng của thiết kế sản phẩm mà còn về bố trí nhà máy sản xuất. Ông đã thành lập các cơ sở sản xuất ‘siêu tốc’ ở Mỹ, Đức và Trung Quốc, cho thấy cách tạo ra các sản phẩm đổi mới thậm chí còn đáng ngưỡng mộ hơn chính bản thân sản phẩm”.

“Loài người không nên chỉ sống trên một hành tinh”

Kể từ khi còn nhỏ được đọc cuốn “Đường tới dải ngân hà” (The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy), Musk đã luôn thắc mắc trong đầu: Tại sao loài người lại dừng bước sau khi lên được Mặt trăng? Tại sao không đi đến các hành tinh khác? Nhà văn Isaacson viết: “Theo Musk, nước Mỹ từng là đất nước của những nhà thám hiểm, nhưng giờ đây đã dần để mất điều đó”.

Sau này khi lớn lên, Musk đã xây dựng “căn cứ của các hành tinh” (Starbase) ở thị trấn Boca Chica phía nam Texas gần biên giới Mỹ-Mexico, đó gần như một sân bay tư nhân chuyên chế tạo Tên lửa Chim ưng Lớn (Starship, loại hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ có thể tái sử dụng).

“Căn cứ của các hành tinh” tại thị trấn Boca Chica có nhà ở cho các thành viên phi hành đoàn ở lại qua đêm, còn có nhà hàng ăn uống. Musk cho biết vào tháng 3/2021 rằng Boca Chica “trong một hoặc hai năm tới sẽ bổ sung thêm hàng ngàn người”, theo đó sẽ có nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên hậu cần. Thái độ của người dân địa phương đối với Musk có cả yêu lẫn ghét. Musk đã phá vỡ cuộc sống yên tĩnh của họ, nhưng một số lại rất hào hứng khi được ngồi “hàng ghế đầu” miễn phí để xem các vụ phóng tên lửa.

Musk cực kỳ tự tin về kế hoạch di cư lên sao Hỏa của mình, giống như khi mua lại Twitter. Ông nói rằng sẽ cải tạo địa hình sao Hỏa để loài người có thể đến đó dễ dàng hơn nhiều.

Chống lại “virus thức tỉnh”

Isaacson chỉ ra Musk tin “văn hóa thức tỉnh” đang đầu độc nước Mỹ, và ông phản đối kiểu “đúng đắn chính trị”: “Sẽ không bao giờ có một nền văn minh đa hành tinh trừ khi sự thức tỉnh (hoặc sự đúng đắn về chính trị) phản khoa học, phản đạo đức và phản con người về cơ bản được chấm dứt”.

Kể từ khi tiếp quản Twitter (hiện được đổi tên thành X), Musk nêu rõ mục đích của việc mua lại Twitter là biến nó thành một diễn đàn để phát biểu về nhiều vấn đề và chống lại sự kiêu ngạo của phe cực tả.

Tất nhiên ý tưởng của Musk cũng làm dấy lên nghi ngờ từ nhiều người. Trong một bài báo có tựa đề “Hãy cảnh giác chủ nghĩa tự do dị thường của Musk” đăng trên tờ Financial Times, tác giả Edward Luce đã chỉ ra rằng Musk và nhiều đồng nghiệp của ông (như Peter Thiel Thiel, Ken Griffin và Charles Koch) đều hướng theo quan điểm như John Galt – người phát ngôn của chủ nghĩa anh hùng cá nhân và chủ nghĩa tinh hoa (John Galt là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Atlas Shrugged của nhà văn Ayn Rand)

“Có quá nhiều ‘Musk’!”

Có lẽ nhiều người muốn được người khác thích. Nhà văn Isaacson lấy chính mình làm ví dụ: “Khi còn quản lý CNN, tôi không phải là người quản lý giỏi. Tôi luôn lo lắng không biết người khác có chấp nhận và thích mình hay không. Nhưng Musk thì khác! Ông chỉ quan tâm đến công ty và sản phẩm của mình, việc làm cách nào để loài người có thể lên sao Hỏa hoặc tạo ra một chiếc ô tô ít gây ô nhiễm nhưng giá cả phải chăng”. Isaacson cười: “Ông ấy không quan tâm chọc tức ai, trừ khi ông ấy thực sự quan tâm đến một số lời chỉ trích và gửi một vài dòng tweet!”

Musk đồng ý với điều này. Ông không chút do dự cho hay trên chương trình hài kịch Saturday Night Live: “Đối với những ai bị tôi mạo phạm, tôi chỉ muốn nói với các bạn: Tôi đã cải tiến ô tô điện và sử dụng tàu tên lửa để đưa người đến các hành tinh khác. Nếu tôi là người dễ tính, không nghiêm khắc, mọi người nghĩ tôi còn có thể làm được việc này sao?”

Có người từng hỏi Isaacson, ông có thích Musk không? Hay anh ta là người như thế nào? Câu trả lời của Isaacson là, “Bạn đang hỏi ‘Musk’ nào? Có rất nhiều ‘Musk’, ông ấy có ít nhất 5 tính cách”.

Musk có khả năng chuyển từ cực kỳ vui vẻ sang cực kỳ tức giận chỉ trong tích tắc. Đôi khi ông không nể nang ai, nhưng nhanh chóng rơi vào trạng thái bình tĩnh hoặc im lặng hoàn toàn. Isaacson cảm thấy: “Không dễ để ở bên một thiên tài như vậy”.

Trong cuốn sách mới của Isaacson, có đoạn miêu tả rất ấn tượng: “Trong con người ông ấy có niềm đam mê cuồng nhiệt che khuất sự vụng về, nhưng tính vụng về đó lại quấn chặt lấy niềm đam mê cuồng nhiệt của ông ấy. Nhét một linh hồn như vậy vào một cơ thể con người khiến ông ấy cảm thấy hơi khó chịu… Ông ấy bước đi như một con gấu lớn gánh vác sứ mệnh nặng nề”.

Trình Phàm, Vision Times

Phụ chú:

Walter Seff Isaacson là một tác giả, nhà báo và giáo sư người Mỹ. Ông từng là ghủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Aspen – một tổ chức nghiên cứu chính sách phi đảng phái có trụ sở tại Washington, D.C., chủ tịch và giám đốc điều hành của CNN, đồng thời là biên tập viên của Time (theo Wikipedia).