Ngày 9/12 vừa qua, hãng SpaceX đã phóng nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship mới nhất của mình có tên SN8 lên độ cao kỷ lục, khoảng 12.000m. Cuộc thử nghiệm đã thành công cho đến giây phút cuối cùng, khi tên lửa SN8 phát nổ khi hạ cánh.

Video trực tiếp về chuyến bay thử nghiệm cho thấy, nguyên mẫu tên lửa Starship của SpaceX đã phát nổ trong một nỗ lực hạ cánh sau khi bay được vài phút từ cơ sở của công ty ở Boca Chica, Texas, Mỹ.

Tên lửa Starship bị phá hủy sau tai nạn là một nguyên mẫu cao 16 tầng để đẩy một tàu vũ trụ hạng nặng đang được công ty vũ trụ tư nhân của tỷ phú Elon Musk phát triển nhằm chở người và 100 tấn hàng hóa trong các sứ mệnh lên Mặt Trăng và sao Hỏa trong tương lai.

Starship
Nguyên mẫu tên lửa Starship SN8 của SpaceX phát nổ khi hạ cánh tại cơ sở Boca Chica, Texas. (Ảnh: SpaceX)

Tên lửa dẫn đường bị nổ tung khi nó chạm xuống bệ hạ cánh. Chuyến bay thử nghiệm dự định đạt độ cao khoảng 12.000m, lần đầu tiên được đẩy bằng tên lửa với 3 động cơ Raptor do SpaceX phát triển.

Phiên bản SN8 làm từ thép không rỉ, cao 50m, có đường kính 9m, hoàn thành gần như mọi mục tiêu đề ra, trừ hoạt động cuối cùng. Phương tiện tiếp đất quá nhanh, phát nổ và biến thành cầu lửa lớn khoảng 6 phút 42 giây sau khi cất cánh. Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng tới tinh thần của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk. Ông tỏ ra xúc động trước kết quả của chuyến bay thử nghiệm khi tuyên bố rằng thử nghiệm đã thành công bất chấp vụ nổ.

Ten lua cua Starship phat no sau khi dat do cao ky luc 2
Tên lửa SN8 của Starship đạt độ cao kỷ lục. (Ảnh: SpaceX)

Ngay sau vụ tai nạn, tỷ phú Musk đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Tên lửa bay thành công và điều chỉnh chính xác đến điểm hạ cánh. Áp suất bình nhiên liệu dự trữ thấp trong quá trình đốt cháy khi hạ cánh, dẫn tới vận tốc đáp quá cao và làm cho phương tiện phát nổ, nhưng chúng tôi đã có tất cả dữ liệu mà mình cần! Xin chúc mừng đội ngũ SpaceX!”

Đây không phải lần đầu tiên tên lửa Starship phát nổ. Trước đó vào cuối tháng 5/2020, mẫu thử nghiệm Starship SN4 cũng đã phát nổ chỉ sau một phút khi thử nghiệm nhanh động cơ tên lửa Raptor, nguyên nhân gây cháy chưa được xác định rõ.

Hôm 8/12 vừa qua, SpaceX dự kiến thực hiện nỗ lực đầu tiên để phóng Starship, nhưng sự cố với động cơ Raptor đã buộc công ty phải tự động hủy bỏ chỉ một giây trước khi cất cánh. Vài phút sau khi cất cánh hôm 9/12, một trong 3 động cơ Raptor ngừng hoạt động. Mặc dù vậy, tên lửa vẫn tiếp tục hành trình bay đến độ cao dự kiến là 12.000m.

Sau khoảng 4 phút bay, 2 động cơ Raptor còn lại dừng hoạt động và tên lửa SN8 bắt đầu rơi tự do trở lại Trái Đất. Khi gần tiếp cận mặt đất, động cơ Raptor và thiết bị đẩy được sử dụng để cố định tên lửa theo phương thẳng đứng, chuẩn bị cho màn hạ cánh. Do đáp ở tốc độ quá cao, tên lửa SN8 đã va chạm và phát nổ. Điều đáng chú ý là tên lửa đã tiếp cận chính xác vị trí hạ cánh.

“Chuyến bay dưới quỹ đạo được thiết kế để kiểm tra một số mục tiêu, từ cách động cơ Raptor hoạt động cho đến khả năng nhập khí động học, cách tên lửa quản lý quá trình chuyển đổi nhiên liệu,” SpaceX cho biết trước buổi thử nghiệm bay.

NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đã tài trợ cho hãng SpaceX 135 triệu USD để phát triển Starship. Ngoài ra, còn có 2 công ty đối thủ liên doanh để cạnh tranh với SpaceX là Blue Origin, công ty vũ trụ thuộc sở hữu của tỷ phú Amazon Jeff Bezos và Dynetcis thuộc sở hữu của công ty Leidos.

Ba công ty đang cạnh tranh để được ký các hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ mặt trăng theo chương trình Artemis của NASA, khi cơ quan này dự kiến thực hiện một loạt các chuyến đưa con người thám hiểm Mặt Trăng trong vòng một thập kỷ tới.

Trước đó, ông Musk đã dự đoán SN8 chỉ có 1/3 cơ hội hạ cánh nguyên vẹn. Đó là vì chuyến bay thử mới nhất phức tạp và khó khăn hơn bất kỳ thử nghiệm nào mà nguyên mẫu Starship từng thực hiện. Kỷ lục về độ cao trước đây là 150m. Ba phiên bản Starship khác nhau từng đạt tới độ cao này là Starhopper, SN5 và SN6. Cả 3 phiên bản đều khá đơn giản với hình dáng giống kho chứa ngũ cốc và chỉ trang bị một động cơ Raptor thế hệ mới của SpaceX. Trong khi đó, SN8 sử dụng 3 động cơ Raptor, có chóp mũi và cánh tà dọc thân để điều hướng.

SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa tới Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều địa điểm xa xôi khác. Hệ thống bao gồm tàu vũ trụ bằng thép không gỉ Starship lắp 6 động cơ Raptor và tên lửa khổng lồ Super Heavy với 30 động cơ Raptor. Cả hai phương tiện đều có thể tái sử dụng hoàn toàn. Tàu Starship đủ mạnh để tự phóng từ Mặt Trăng và sao Hỏa, nhưng vẫn cần tên lửa Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất.

SpaceX muốn Starship và Super Heavy đi vào hoạt động sớm. NASA đang cân nhắc sử dụng tàu Starship để đưa phi hành gia hạ cánh trên Mặt Trăng trong chương trình Artemis, dự kiến bắt đầu năm 2024. SpaceX đang cố gắng đáp ứng khung thời gian trên bằng cách phát triển nhanh các nguyên mẫu và bay thử thường xuyên tại cơ sở ở Nam Texas. Phiên bản SN9 và SN10 sẽ khá giống SN8, nhưng có thêm nhiều cải tiến nhỏ. Những nâng cấp quan trọng sẽ được tiến hành trên nguyên mẫu SN15.

Video quá trình phóng và hạ cánh của nguyên mẫu Starship SN8:

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: