Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Nam Kinh, Trung Quốc của công ty an ninh mạng nổi tiếng thế giới Trend Micro đã bắt đầu sa thải 14% tổng số nhân viên. Những người trong ngành cho rằng việc Trend Micro rút bộ phận R&D có liên quan đến sự răn đe của Luật Phản gián của Trung Quốc, thu hút sự chú ý của những người trong ngành.

Trend Micro
(Ảnh: T. Schneider/ Shutterstock)

Theo các tài khoản công khai như NetEase và Sohu, trụ sở chính của Trend Micro ở Nam Kinh, Trung Quốc, đã hoàn thành kế hoạch sa thải nhân sự. Từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11, công ty đã sa thải khoảng 70 người, chiếm khoảng 14% tổng số nhân viên.

Theo các nguồn tin, mức bồi thường cho lần sa thải này dao động từ N+4 đến N+8 tùy theo thâm niên. Một số cư dân mạng để lại lời nhắn trong phần bình luận thắc mắc vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại rời đi?

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do hôm thứ Năm (7/12), ông Tào Vĩnh Lạc, một người trong ngành Internet Trung Quốc, cho biết Trend Micro nổi tiếng với việc phát triển phần mềm chống virus và vượt tường lửa phong tỏa mạng. Nếu bộ phận này tiếp tục ở lại Trung Quốc, có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ về an ninh.

Ông cho biết: “Hướng phát triển của Trend Micro trong những năm gần đây chủ yếu là chống virus, an ninh mạng, bảo mật đám mây và máy chủ. Hiện các công ty Internet lớn trên thế giới đang rút khỏi thị trường Trung Quốc. Trước hết, đây là một xu thế lớn. Trong tình hình Trung Quốc bị Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu chip, nhiều nhà cung cấp máy chủ đang rút khỏi thị trường này.” 

Trend Micro của Mỹ là một công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực an ninh mạng. Các sản phẩm của họ bao gồm phần mềm chống virus, vượt tường lửa, bảo mật đám mây và các khía cạnh khác. Chủ tịch và người sáng lập công ty đến từ Đài Loan.

Ông Tào Vĩnh Lạc cho rằng môi trường chính trị của Trung Quốc không còn phù hợp để các công ty Internet nước ngoài tồn tại, bao gồm “Luật phản gián”, “Luật an ninh quốc gia” và các luật liên quan ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.

“Môi trường chính trị đã khiến nhiều nhà cung cấp máy chủ không có cách nào có thể thực sự cung cấp cho khách hàng của họ các dịch vụ an toàn, độc lập và được đảm bảo. Do đó, ‘Luật phản gián’, chính sách hiện tại của chính phủ, khiến các công ty lưu trữ một lượng lớn dữ liệu này gần như không thể sinh tồn được tại Trung Quốc.”

Ông Tô, một học giả Trung Quốc, tin rằng việc rút bộ phận R&D của Trend Micro có lịch sử hơn 20 năm ở Trung Quốc của khỏi nước này, vì lý do địa chính trị và các yếu tố khác, chỉ là một phần trong kế hoạch rút lui tổng thể của họ.

Tuy nhiên, việc này sẽ có tác động nhất định đến ngành Internet và các thị trường liên quan ở Nam Kinh, và thậm chí cả Trung Quốc. Điều này phản ánh rằng hầu hết các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang ngày càng lo lắng về triển vọng của thị trường Trung Quốc.

Ông Tô nói rằng việc rút vốn nước ngoài là do môi trường Trung Quốc ép buộc: “Chủ yếu là do yếu tố chính trị và môi trường chung gây ra. Họ rút lui một cách có kế hoạch và từng bước, chứ không phải một lần. Cuối cùng, tất cả sẽ rút toàn bộ.”

Trend Micro được thành lập tại California, Hoa Kỳ năm 1988, có chi nhánh tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, với gần 7.000 nhân viên. Tháng 7/2001, công ty này thâm nhập thị trường Trung Quốc, thành lập chi nhánh tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Nam Kinh.

Bản cập nhật mới nhất của Trung Quốc đối với luật phản gián cũng mở rộng định nghĩa về gián điệp, bao gồm bất kỳ tài liệu nào liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia chưa xác định. Điều đó cho thấy các công ty, nhà báo, học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài phải đối mặt với rủi ro pháp lý khi hoạt động tại Trung Quốc.

Quan ngại của Hoa Kỳ đã gia tăng sau khi luật chống gián điệp mở rộng của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7 và cấm chuyển thông tin mà nước này cho là có liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt và giam giữ hàng chục công dân Trung Quốc và nước ngoài vì nghi ngờ hoạt động gián điệp, trong đó có một giám đốc điều hành tại nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma hồi tháng Ba. Nhà báo Úc Cheng Lei, bị Trung Quốc cáo buộc cung cấp bí mật nhà nước cho nước khác, đã bị giam giữ từ tháng 9/2020.

Bình Minh (t/h)