Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thống nhất ở mức 2.119.428 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

boi chi 2024
Một phụ nữ đang đếm tiền đồng Việt Nam. (Ảnh minh họa: Godongphoto/Shutterstock)

Ngày 10/11, với 466/470 đại biểu biểu quyết tán thành (99,14%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Chỉ 3 đại biểu không tán thành, 1 đại biểu không biểu quyết.

Theo Nghị quyết, số thu ngân sách Nhà nước được chốt ở mức 1.700.988 tỷ đồng. Số tiền dành cho cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư của năm 2023 sẽ chuyển sang dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng (từ ngày 1/7/2024).

Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng; trong đó, tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng (tương đương 57,82%). Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.

Về điều hành ngân sách Nhà nước năm 2023, Quốc hội cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.

Ngoài ra, toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 được chuyển sang dự toán, kế hoạch đầu tư công hàng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho các dự án của Bộ GTVT và 8 địa phương; chuyển nguồn dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.

Trước đó, tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có một số ý kiến đề nghị Chính phủ nêu rõ về khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên chưa phân bổ của của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Mạnh cho hay Chính phủ chưa có phương án phân bổ đối với khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là những người yếu thế. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép bố trí 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phân bổ chi tiết.

Tháng 10/2023, theo báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ công 2023, dự kiến kế hoạch vay và trả nợ 2024, Chính phủ cho biết ước thu cân đối ngân sách năm 2023 là hơn 1,62 triệu tỷ đồng; bội chi ở mức 4% GDP (mức dự toán Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm là 4,42% GDP).

So với năm 2022, mức bội chi năm 2023 tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm. Nếu tính theo quy mô GDP 2022 (409 tỷ USD) thì mức bội chi năm 2023 gần 16,4 tỷ USD, tương đương hơn 402.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 39-40% GDP. Nợ Chính phủ khoảng 36-37% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 37-38%.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách. Trả nợ nước ngoài khoảng 7-8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (giới hạn Quốc hội cho phép là 25%).

Năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương là 621.015 tỷ đồng. Trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỷ đồng (bằng 4,18% GDP); vay để trả nợ gốc 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 23.394 tỷ đồng.

Nguyễn Minh