Nước thải hạt nhân của nhà máy Fukushima Dai-ichi Nhật Bản sau khi qua xử lý an toàn đã được xả ra biển, vì không chấp nhận biện pháp của Nhật Bản nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cấm nguồn hải sản Nhật Bản, tạm thời ngừng hoạt động du lịch với Nhật Bản. Nhưng thời gian gần đây, tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, đồng thời du lịch đến Nhật Bản cũng được ‘thả cửa’ nên một lượng lớn người dân Trung Quốc tận dụng kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng để đi du lịch Nhật Bản.

GettyImages 1247145880
Bức ảnh này chụp vào ngày 19 tháng 1 năm 2023 cho thấy ngư dân đang làm việc tại Cảng cá Matsukawaura ở thành phố Soma thuộc tỉnh Fukushima của Nhật Bản. (Nguồn ảnh: PHILIP FONG/AFP qua Getty Images)

Tàu cá Trung Quốc đánh cá ngoài khơi Nhật Bản

Ngày 24/8, Nhật Bản quyết định xả ra biển nước thải hạt nhân của nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi đã qua xử lý, cùng ngày chính quyền ĐCSTQ tuyên bố đình chỉ hoàn toàn nhập khẩu thủy sản Nhật Bản. Tuy nhiên chỉ một tháng sau thì ngoài khơi bờ biển Nhật Bản xuất hiện tàu Trung Quốc đang đánh cá.

Theo hệ thống Theo dõi Nghề cá Toàn cầu (GFW) thông qua hệ thống nhận dạng tín hiệu tàu (AIS), phát hiện một số lượng lớn tàu đánh cá Trung Quốc đã tập trung ở vùng biển công cộng cách thành phố Nemuro tỉnh Hokkaido khoảng 1000 km về phía đông.

Mỗi ngày có khoảng 146 – 167 tàu đánh cá Trung Quốc cùng đánh cá với tàu đánh cá Nhật Bản, các hải sản đánh bắt được gồm cá thu đao, cá ngừ, cá mòi… Hải sản do tàu cá Nhật Bản đánh bắt không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng hải sản do tàu cá Trung Quốc đánh bắt lại trở thành “Made in China” và lưu thông trên thị trường sau khi vào Trung Quốc.

Điều tra của Cục Thủy sản Nhật Bản cũng cho kết quả tương ứng, thống kê cho thấy số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động ở các vùng biển liên quan gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của tổ chức quản lý nghề cá quốc tế là Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương (NPFC), sản lượng đánh bắt cá thu đao của Đài Loan năm ngoái đứng đầu Bắc Thái Bình Dương là 42.000 tấn, tiếp theo là Trung Quốc với 35.000 tấn và Nhật Bản với 18.000 tấn.

Cục Thủy sản Nhật Bản cũng cho hay, tổng sản lượng đánh bắt cá từ đầu năm nay đến giữa tháng 9 bao gồm cả Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu số lượng tàu đánh cá gần như nhau thì có thể coi hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc cũng tăng lên tương ứng.

Ngày 22/9 trên nền tảng mạng xã hội “X”, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản là ông Rahm Emanuel đã đăng hình ảnh các tàu đánh cá Trung Quốc ngày 15/9 đang đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, trên hình có thể thấy rõ chữ tiếng Anh “CHINA” được in trên thân tàu.

Ngày 27/9, Đại sứ Emmanuel lại đăng trên mạng xã hội X:

“Kể từ khi xử lý nước đã qua một tháng, Cục Thủy sản Nhật Bản cho hay đo đạc hàm lượng tritium ở vùng biển nơi nhà máy Fukushima Dai-ichi thải nước cho thấy bằng 0. Tin tức này dường như đã khiến Trung Quốc (ĐCSTQ) phấn chấn, khó trách họ lại cho tiếp tục đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Họ có thể lựa chọn giữa hư cấu hoặc thực tế, nhưng họ chọn hư cấu để tiếp tục đánh cá. Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấu thủ đoạn của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại Niigata khen cá Niigata

Tối 26/9, Tổng Lãnh sự ĐCSTQ tại tỉnh Niigata Nhật Bản đã tổ chức họp báo giới thiệu tân tổng lãnh sự. Tại cuộc họp, tân Tổng lãnh sự Thôi Vi Lỗi (Cui Weilei) cho biết: “Tôi đã mua cá ở Niigata để ăn, cá rất ngon”.

Quan chức này cũng nhấn mạnh: “Tôi cố gắng ăn nhiều một chút. Tôi không nghĩ có thể phát hiện ra tác động của chất ô nhiễm sau một hoặc hai bữa ăn. Tất nhiên, điều này phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải cảm nhận cá nhân”.

Trong lúc ĐCSTQ đang thực hiện lệnh cấm vận toàn diện đối với hải sản Nhật Bản thì phát biểu này của ông Thôi Vi Lỗi đã thu hút chú ý. Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói với phóng viên Epoch Times hôm 28/9:

“Ông ấy nói điều này một cách công khai có lẽ để cải thiện quan hệ Trung-Nhật, nhưng vấn đề ngay thời điểm những tin tức về tàu đánh cá Trung Quốc [đánh cá vùng biển liên quan] và ĐCSTQ quy kết cá ở Nhật Bản có chất phóng xạ không thể xuất khẩu [vào Trung Quốc], [thế nhưng] cá do tàu Trung Quốc đánh bắt lại được phép lưu thông và có thể ăn tùy ý, điều đó cho thấy bản chất hai mặt của ĐCSTQ vô liêm sỉ đến mức nào”.

Người Nhật thông cảm với người Trung Quốc bị “tẩy não”

Đã hơn một tháng kể từ khi nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi – Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản trong quá trình này vẫn giữ thái độ công khai, minh bạch, tích cực phối hợp với các nhà khoa học và đối tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Công ty Điện lực Tokyo cũng ngay lập tức công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước của 10 điểm quan trắc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi trong vùng biển liên quan, cho thấy nồng độ chất phóng xạ triti tại tất cả các điểm quan trắc đều đạt tiêu chuẩn và thấp hơn giới hạn dưới mà thiết bị có thể phát hiện. Tháng trước, IAEA báo cáo rằng quy trình của Nhật Bản an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được quốc tế chấp nhận.

Thế nhưng nhà cầm quyền ĐCSTQ – tổ chức cầm quyền duy nhất của Trung Quốc – không ngừng kích động sự phẫn nộ của công chúng về việc Nhật Bản cho xả nước đã qua xử lý hạt nhân, qua đó cho phép người dân Trung Quốc gọi điện quấy rối đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và nhà riêng ở tỉnh Fukushima. Không chỉ vậy, hoạt động kinh doanh của các nhà hàng Nhật tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khiến không ít cửa hàng phải thay đổi diện mạo, số khác khẳng định hải sản họ bán không phải nhập khẩu từ Nhật Bản.

Bên cạnh kích động tinh thần dân tộc, ĐCSTQ còn tạo ra vấn đề hỗn loạn trên thị trường Trung Quốc khi nhiều người Trung Quốc đổ xô đi mua muối, mua dụng cụ đo phóng xạ, nhưng bi hài là kết quả cho thấy chính tại Trung Quốc là nơi có mức độ bức xạ hạt nhân cao nhất.

Vào tháng 8 năm nay, các phương tiện truyền thông lớn Nhật Bản (như Đài truyền hình Nippon, Đài truyền hình Fukushima, NHK…) đồng loạt đưa tin trên truyền hình về các vụ việc người Trung Quốc bị quấy rối qua điện thoại. Hầu hết những người gọi đến Nhật Bản đều là giới trẻ Trung Quốc, theo đó bùng nổ các cuộc gọi điện thoại chửi bới và đe dọa các cửa hàng, khách sạn tại Fukushima, Sở cảnh sát, Sở cứu hỏa Tokyo…. Người dân Nhật Bản rất ngạc nhiên, nhưng vấn đề không gây ra phản ứng rộng rãi trong xã hội Nhật Bản.

Nói về vấn đề này với phóng viên Epoch Times hôm 29/9, bà Maru Yama (công dân Nhật Bản) cho hay, ban đầu bà lo lắng về việc xả nước hạt nhân dù đã xử lý, nhưng sau đó bà cảm thấy nhẹ nhõm sau khi xem các tin khoa học của truyền thông và chính phủ về nước đã qua xử lý hạt nhân, bà tin rằng Chính phủ Nhật Bản phải xử lý nước để đảm bảo an toàn trước khi xả ra biển.

Khi phóng viên hỏi quan điểm của bà về việc người Trung Quốc gọi điện quấy rối Nhật Bản, bà Maru Yama liên tục nhấn mạnh rằng đây chỉ là hành vi của một số người Trung Quốc chứ không phải tất cả người Trung Quốc đều làm như vậy; bà hiểu người Trung Quốc bị  ĐCSTQ kiểm soát chứ không có tự do dân chủ, vì thế họ chỉ có thể thấy tin tuyên truyền của nhà cầm quyền kích động tình cảm dân tộc.

Bà nói: “Tôi hiểu những lo lắng của người dân Trung Quốc, nhưng làm điều này (gọi điện quấy rối) là không tốt. Tôi hy vọng người dân Trung Quốc sẽ thay đổi cách làm, vì nó không tốt cho hình ảnh của người dân Trung Quốc, cũng có hại cho cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản”.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vấn đề người dân Trung Quốc làm vậy cũng do hoàn cảnh sống phải nghe theo sự kích động tình cảm dân tộc của ĐCSTQ, họ không dám nói ra suy nghĩ thật sự của họ: “Tôi hy vọng rằng giữa hai nước sẽ có nhiều trao đổi tự do, thân thiện và hiểu biết lẫn nhau hơn; người dân Trung Quốc cần được tự do tiếp nhận thông tin thực tế. Việc truyền bá thông tin của Nhật Bản cũng không nên sơ xuất để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, như thế sẽ tốt hơn. Tôi tin Trung Quốc sẽ có thay đổi sau một thời gian nữa”.

Nhà bình luận chính trị Nguyên Minh (người Trung Quốc gốc Nhật) cũng cho hay, Nhật Bản là nước hiện đại và văn minh, các hoạt động xử lý nước thải hạt nhân chịu sự giám sát của người dân và được thực hiện bình thường trong khuôn khổ tiêu chuẩn quốc tế.

Về hành vi quá đáng của người dân Trung Quốc sau khi bị ĐCSTQ kích động, ông nói: “Lâu nay, khi ĐCSTQ cố gắng chuyển hướng sự chú ý của người dân trong nước và chuyển hướng sự chú ý của dư luận, các nước lân cận như Nhật Bản, Đài Loan đã bị ĐCSTQ lợi dụng một cách dễ dàng. Tôi thấy thương thay cho người dân Trung Quốc, họ liên tục bị ĐCSTQ tẩy não”.

Ông lưu ý chỉ khi Trung Quốc thực sự hướng tới một xã hội tự do, dân chủ hướng theo các giá trị phổ quát thì tình trạng này mới có thể thay đổi. Chúng ta không thấy bất kỳ hy vọng nào dưới chế độ độc tài.

Du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản đã hồi sinh

Bắt đầu từ ngày 30/9 người dân Trung Quốc sẽ có kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, được xem là “kỳ vàng du lịch”. Ngày 29/9, các phương tiện truyền thông lớn của Nhật Bản đưa tin rằng mức độ ưa chuộng của khách du lịch Trung Quốc đến thăm Nhật Bản không bị ảnh hưởng bởi vấn đề nước thải hạt nhân.

Mỗi tuần hãng hàng không All Nippon Airways của Nhật Bản khai thác 62 chuyến bay giữa Nhật Bản và Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, hầu hết các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc từ ngày 26 – 30/9. Từ ngày 6 – 9/10, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay đến Trung Quốc đạt 90%. Bắt đầu từ ngày 1/10, mỗi tuần sẽ có 70 chuyến bay khứ hồi từ Trung Quốc, nhưng con số này sẽ tăng lên 76 chuyến từ cuối tháng 10.

Công dân Bắc Kinh Lin Jia (hóa danh) nói với phóng viên Epoch Times rằng, “Ban đầu tôi dự định vào đầu tháng 10 đi du lịch Nhật Bản cùng gia đình, nhưng công ty du lịch đã đình chỉ hạng mục này khiến tôi phải chọn đi đến nước khác; dù bây giờ tôi lại có thể sang Nhật Bản, nhưng vì phí đến nước khác đã đóng rồi không thể thay đổi, thực sự là đáng tiếc”.