Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết để lắp đặt tín hiệu của 270 đường ngang, năm 2023 sẽ chi khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 130 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 115% so với kế hoạch.

duong sat vietnam VNR duong sat tau hoa
Đường sắt Việt Nam mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, lắp đặt hệ thống liên quan đường ray, công trình phụ trợ. (Ảnh minh họa: phutho.gov.vn)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết các công trình này được cấp vốn để triển khai thực hiện theo văn bản chỉ thị của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao cho VNR sửa chữa, lắp đặt hệ thống tín hiệu theo quy định đối với đường ngang có gác, thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023.

Trong năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, VNR được cấp 200 tỷ đồng để triển khai lắp đặt tại 112 đường ngang có gác. Năm 2023, doanh nghiệp này được giao thêm 400 tỷ đồng để thực hiện tại 270 đường ngang có gác.

Tại hội nghị báo cáo kết quả kinh doanh hôm 5/1, VNR cho biết tổng vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt khách lên tàu, bằng 310% cùng kỳ. Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100% cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu (chưa kiểm toán) của tổng công ty đạt 7.718 tỷ đồng, bằng 113% cùng kỳ và đạt 115% kế hoạch năm 2022.

Doanh thu vượt dự kiến không mang lại kết quả có lãi, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 130,5 tỷ đồng. Lãnh đạo VNR cho hay mức lỗ này đã “ít hơn năm ngoái 400 tỷ đồng”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng số hơn 3,66 triệu lượt, khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt 3,27 triệu lượt người, chiếm tỷ trọng 89,5%; bằng đường bộ đạt 380.900 lượt người, chiếm tỷ trọng 11,6%; còn lại là đường biển.

Dù du lịch Việt Nam 2022 khởi sắc mảng du lịch nội địa nhưng VNR nối dài kết quả kinh doanh đáng buồn, theo đó năm 2020 lỗ hơn 1.320 tỷ đồng; năm 2021 lỗ 670 tỷ đồng. Tính chung 3 năm vừa qua, VNR đã lỗ hơn 2.120 tỷ đồng.

Đức Minh