Dữ liệu công bố ngày 17/8 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng Bảy đã tăng lên 10,1%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/1982, khiến nước Anh trở thành nền kinh tế giàu có lớn đầu tiên ghi nhận mức tăng giá lên đến 2 con số.

gia ca tieu dung o Phap tang cao nhat lam phat o Phap dat dinh 1980000383
(Ảnh minh họa: Denys Kurbatov/Shutterstock)

Mức tăng 10,1% cao hơn dự báo của tất cả các nhà kinh tế do Reuters thăm dò, và điều này thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh. Chỉ số CPI tháng Sáu là 9,4%.

Bất chấp những cảnh báo trong tháng này về khả năng suy thoái, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5% lên 1,75%, đây là động thái lớn nhất kể từ năm 1995, khi đó vào tháng 10/1995 lạm phát của Anh đạt đỉnh 13,3%.

Chuyên gia kinh tế Benjamin Nabarro của của Citibank nói với Reuters rằng dựa trên dữ liệu mới nhất, ông dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 15% vào đầu năm tới. Ông nói thêm: “Với việc Ngân hàng Trung ương lo ngại về các dấu hiệu của áp lực lạm phát kéo dài, chúng tôi cho rằng phản ứng diều hâu là điều không thể tránh khỏi”.

Vào đầu tuần này, đa số giới chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên 2,25% sau cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín.

Lợi suất trái phiếu chính phủ 2 năm của Anh vốn nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, giới đầu tư có dự tính lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đạt đỉnh 3,75% vào khoảng tháng 3/2023, tăng từ mức 3,25% trước đó.

Vương quốc Anh không phải là nước duy nhất đối mặt với giá cả tăng vọt, nhưng là nước đầu tiên trong các nền kinh tế G7 có lạm phát trên 10%.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy, so với cả phần còn lại của châu Âu nơi giá năng lượng đã tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thì cuộc chiến của Anh với lạm phát cao sẽ kéo dài hơn.

Đối với Mỹ, nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh sau khi giảm từ mức cao 9,1% vào tháng Sáu xuống 8,5% vào tháng Bảy.

Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) hôm 17/8 cho thấy, giá đã tăng 0,6% trong tháng Bảy so với tháng Sáu trên cơ sở điều chỉnh không theo mùa. Giá lương thực theo năm tăng 12,6%, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008, cũng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao, trong khi giá năng lượng và xăng dầu tăng cũng là động lực chính.

Lạm phát giá bán lẻ đạt mức cao nhất hàng năm kể từ tháng 3/1981, ở mức 12,3%.

Những con số lạm phát kỷ lục này càng làm tăng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt mà người Anh đang phải đối mặt, khi việc tăng lương ngày càng tụt hậu so với việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.

Điều này được đưa ra sau khi dữ liệu chính thức cho thấy, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát ở Anh đã giảm 3% trong 3 tháng tính đến tháng Sáu, mức giảm lớn nhất kể từ kỷ lục trước đó vào năm 2001.

Các nhà kinh tế cũng ngày càng bi quan về tình hình kinh tế nước Anh, áp lực chi phí gia tăng nên phổ biến cho rằng khả năng nước này rơi vào suy thoái không ngừng gia tăng. Ngân hàng Trung ương Anh trước đó đã dự báo một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay và kéo dài đến đầu năm 2024.

Trả lời về dữ liệu CPI mới nhất, tân Thủ tướng Anh Nadhim Zahawi cho biết: “Kiểm soát lạm phát là ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đang hành động thông qua chính sách tiền tệ mạnh, độc lập, quyết định về thuế và chi tiêu có trách nhiệm, thông qua cải cách để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng”.