Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh nhận định kinh tế suy thoái đã khiến doanh nghiệp kiệt quệ, lại thêm việc trì hoãn hoàn thuế giá trị gia tăng khiến họ càng thêm khó khăn.

vu hong thanh chu nhiem uy ban kinh te quoc hoi
Ông Thanh cho biết doanh nghiệp kiệt quệ vì kinh tế suy thoái, lại thêm việc chậm hoàn thuế của Bộ Tài chính. (Ảnh minh họa: Quochoi.vn)

Hôm 12/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh nêu ví dụ câu chuyện của một doanh nghiệp tại Hà Nội khiếu nại Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội cố ý đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thế giá trị gia tăng (VAT) với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng từ các năm 2020, 2021, báo VnExpress đưa tin.

Công ty này cho biết đã thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ hoàn thuế theo quy định và đã được cơ quan Công an Hà Nội xác minh không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT.

Cũng tại buổi họp về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội – ông Vương Đình Huệ hỏi hiện nay tổng số tiền thuế VAT chưa hoàn là bao nhiêu tiền. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế không có câu trả lời.

Ông Huệ nhấn mạnh, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ thị mà giờ này còn nợ đọng bao nhiêu cũng không nói được. Ông Huệ nói đây là “nghĩa vụ của Nhà nước và doanh nghiệp không xin”, vì đó là tiền của họ.

“Doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, tiền hoàn thuế là tiền của người ta còn không cho hoàn nữa, kéo dài mấy năm thì mình làm doanh nghiệp mình có sống được không?”, ông Huệ nói, báo Đầu Tư dẫn lời.

Phó tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Vũ Chí Hùng cho biết việc hoàn thuế VAT được thực hiện theo hai trường hợp: kiểm tra trước hoàn thuế sau và hoàn thuế trước kiểm tra sau.

Trước đó, hiệp hội, doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành như gỗ, giấy, cao su cho biết việc bị “giam” cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ. Thậm chí trong tình trạng thiếu vốn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Do vậy, từ cuối năm ngoái đến nay, các hiệp hội liên tục kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế VAT.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện trên 9.560 doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh kinh tế có nhiều màu tối khi trên 82% đơn vị dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh.

Hơn 81% đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng (59,2%); tắc nghẽn dòng vốn (51,2%); gặp vấn đề về thủ tục hành chính (45%).

Đức Minh