Những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá, mức tăng khoảng 1,31 triệu đồng khiến giá thép xây dựng lên mức hơn 18 triệu đồng/tấn.

cuahang sat thep
Trong khoảng 2 tuần đầu tháng 3, giá thép xây dựng đã tăng lên thêm khoảng 1,31 triệu đồng, đẩy giá thép xây dựng lên mức hơn 18 triệu đồng/tấn. (Ảnh: Trí Thức VN)

Theo báo Tuổi Trẻ, tại khu vực miền Bắc, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát đã tăng liên tiếp trong thời gian ngắn, từ 17,12 triệu đồng/tấn (ngày 1/3) lên 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4/3), 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6/3). Tới ngày 11/3, mức giá đã lên tới 18,43 triệu đồng/tấn, tăng tới 1,31 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng 10 ngày.

Trong 2 tuần đầu tháng 3, giá thép xây dựng Việt Ý đã được điều chỉnh tăng giá bán 3 lần. Giá thép cây D10 CB300 tăng từ 17,07 triệu đồng/tấn lên 18,38 triệu đồng/tấn vào ngày 11/3.

Tại khu vực phía Nam, giá thép nhãn hiệu Miền Nam loại thép cuộn, thép cây cũng đã 3 lần tăng giá bán. Trong đó, giá bán thép cuộn Miền Nam tăng từ 17,26 triệu đồng/tấn lên mức 18,57 triệu đồng/tấn; thép cây xây dựng loại D10 CB300 được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,46 triệu đồng/tấn lên mức 18,78 triệu đồng/tấn.

Tương tự, trong những ngày đầu tháng 3, giá thép Pomina ở khu vực phía Nam loại D10 CB300 đã được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,76 triệu đồng/tấn lên mức 18,17 triệu đồng/tấn.

Anh Vũ, chủ một đại lý tại La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết giá thép bắt đầu tăng từ sau Tết Nguyên đán và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Mười ngày qua, nhiều thương hiệu thông báo tăng giá tới 3 lần, mỗi lần tăng thêm 300.000-350.000 đồng mỗi tấn, tuỳ loại. Tính cả 3 lần, mỗi tấn tăng cả triệu đồng”, anh Vũ cho hay – báo Vnexpress dẫn lời.

Theo tính toán của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thép xây dựng chiếm khoảng 18 – 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng; đối với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng trong giá thành sẽ lớn hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC cho biết trước tình trạng giá thép, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng giá, VACC đã nhiều lần kiến nghị lên bộ, ngành nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng.

“Hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên ‘làm cũng chết, không làm cũng chết’. Nếu thi công công trình thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ – báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Bà Võ Thị Hoài – Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Bình Tân cho biết việc giá thép tăng cao cũng gây khó khăn cho cả nhà phân phối. Theo bà Hoài, doanh thu tăng chủ yếu do giá bán tăng, nhưng ở thời điểm hiện tại lợi nhuận không tăng tương ứng do phải gánh thêm nhiều chi phí.

“Các đơn vị phân phối như chúng tôi gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Để giữ chân khách hàng, chúng tôi buộc phải có nhiều giải pháp hỗ trợ và tích cực tìm nguồn cung mới để bù đắp, từ đó dẫn tới chi phí tăng. Bên cạnh đó, việc giá xăng, dầu tăng dẫn tới chi phí vận chuyển vật liệu tới công trình xây dựng cũng phải đội lên và phần này chúng tôi phải chịu nên ảnh hưởng tới lợi nhuận”, bà Hoài nói – báo Nhà Đầu Tư dẫn lời.

Đức Minh