Tại Anh, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp người lái xe bỏ chạy, không trả tiền sau khi bơm xăng tại các trạm xăng dầu. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh giá loại nhiên liệu này ở “xứ sở xương mù” đang tăng mạnh.

bỏ chạy
(Ảnh minh họa: Edward Crawford/Shutterstock)

Cụ thể, theo tờ Daily Mail, số trường hợp bỏ chạy, không chịu trả tiền xăng đã tăng 215% trong tuần đầu tiên của tháng 3/2022 so với tuần đầu tiên của tháng 12/2021.

Hiệp hội An ninh Dầu mỏ Anh (Boss) cho biết rằng tổng thiệt hại mà hình thức trộm cắp trên gây ra với ngành xăng dầu nước này hiện ước tính khoảng trên 100 triệu bảng, tăng so với mức 88 triệu bảng vào năm 2019. Cảnh sát đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để giảm tội phạm tại các trạm xăng. Tội phạm tại trạm xăng cũng có thể bao gồm cả những lái xe nói rằng họ không có tiền để trả vì một số lý do nào đó và hứa sẽ quay lại sau, nhưng sau đó không quay lại trả tiền.

Giám đốc điều hành Boss, ông Claire Nichol cho biết: “Giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục khiến tội phạm cảm thấy việc không trả tiền xăng là điều hấp dẫn và các báo cáo ban đầu cho thấy tội phạm tại các trạm xăng đã tăng vọt trong những tuần gần đây”.

Các gia đình ở Anh hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải trả nhiều tiền cho hóa đơn năng lượng. Giá xăng trung bình tại các trạm xăng ở nước này ngày 14/3 đạt mức kỷ lục 163,5 xu/lít (khoảng 49.000 đồng), tăng từ 148 xu/lít (khoảng 44.000 đồng) trong tháng trước. Trong khi đó, giá dầu diesel ở mức 173,4 xu (khoảng 51.000 đồng), tăng so với 151,6 xu (khoảng 45.000 đồng) một tháng trước.

Các chuyên gia cho biết rằng giá bán buôn giảm đã không thể tác động đến giá xăng tại các trạm xăng dù cho giá dầu đã giảm vào tuần trước.

Giá mỗi thùng dầu thô Brent đã đạt mức 106 bảng Anh vào ngày 7/3 – mức cao nhất trong 14 năm qua. Tuy nhiên, giá đã giảm xuống còn 84 bảng Anh 2 ngày sau đó, gần đúng với giá trị sáng 14/3.

Vào năm 2019, Boss ước tính rằng chi phí nhiên liệu bị “quỵt” do người dân bỏ chạy không chịu trả tiền xăng tại Anh đã khiến các nhà vận hành trạm xăng tốn 88 triệu bảng mỗi năm. Việc phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho các sự cố “quỵt” tiền tăng giảm thất thường, nhưng kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tội phạm nhiên liệu đã bắt đầu quay trở lại bằng mức trước đại dịch.

Cũng trong ngày 14/3, phát ngôn viên của công ty dịch vụ ô tô RAC, ông Simon Williams, cho hay rằng giá xăng trung bình dường như sắp chạm mức 1,65 bảng/lít (khoảng 49.000 đồng).

Ông cho biết: “Mặc dù gần như chắc chắn rằng sẽ có nhiều đợt tăng giá xăng trong tuần này, nhưng các lái xe có thể thấy giá xăng tạm thời ngừng tăng vài xu một lít mỗi ngày khi giá dầu và giá bán buôn dường như đã ở mức ổn định. Giá dầu tăng vào cuối tuần vừa qua vẫn là kết quả của đợt tăng giá dầu bắt đầu từ đầu tháng và đạt đỉnh vào đầu tuần trước. Vì giá dầu hiện đã giảm trở lại, chúng ta hy vọng sẽ đạt mức đỉnh và bắt đầu thấy giá đi theo hướng khác để phản ánh giá bán buôn giảm mạnh vào cuối tuần trước”.

Theo phát ngôn viên công ty AA Luke Bosdet, hãng này AA dự đoán ​​giá dầu sẽ ổn định trong tuần này và hy vọng giá xăng sẽ ổn định tại các trạm xăng, kể cả ở các trạm xăng được cung ứng xăng lúc giá cao nhất.

Ngày 13/3, Công đảng đã kêu gọi Chính phủ Anh đối phó với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang gia tăng khi phân tích mới của đảng này chỉ ra rằng các gia đình đã bị ảnh hưởng khi phải chi thêm gần 400 bảng Anh mỗi năm để mua xăng dầu.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho hay: “Giá dầu thô toàn cầu đã tăng mạnh trong năm qua, kéo theo đó là việc giá xăng dầu tăng trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Anh. Nhưng chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu điều đó và giúp đỡ người dân. Khoản hỗ trợ 12 tỷ bảng Anh mà chúng tôi đã công bố để giúp trang trải chi phí sinh hoạt bao gồm việc đóng băng thuế nhiên liệu trong năm thứ 12 liên tiếp, đợt đóng băng kéo dài lâu nhất trong lịch sử của nước Anh”.

Theo Daily Mail,

Phan Anh