Tình trạng mất giá nông sản kéo dài do ùn tắc cửa khẩu khiến nhiều người nông dân lao đao. Giá thanh long tại vườn chỉ còn 500-1.500 đồng/kg, dưa hấu từ 1.000-2.000 đồng/kg,…

mit xuat khau
Thương lái đổ bán tháo mít thái, dưa hấu xuất khẩu trên vỉa hè tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với giá 8.000 đồng/kg mít thái, 10.000 đồng/kg dưa hấu, chiều tối ngày 3/3/2022. (Nguồn: Trí Thức VN)

Vào thời điểm 7h sáng ngày 24/2, theo Bản đồ Mật độ phương tiện từ Cổng thông tin một cửa của Việt Nam cho biết tổng lượng tồn xe tại các cửa khẩu của 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai như sau:

cuakhau
Vào thời điểm 7h sáng ngày 6/3, tổng lượng xe ùn tắc tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai lên đến 10.785 xe. (Ảnh chụp màn hình: Quang Minh tổng hợp/Trí Thức VN)

Tổng lượng xe đang tồn ở thời điểm trên tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai lên đến 10.785 xe. Đây là mức độ ùn tắc nghiêm trọng khiến cơ hội thông quan xuất khẩu của các xe chở hoa quả ngày càng khó khăn.

Theo truyền thông trong nước, giá nông sản tại vườn liên tục rớt mạnh khiến nông dân thua lỗ. Nguyên nhân là do ùn tắc cửa khẩu, dẫn đến thương lái rất ít thu mua để mang đi xuất khẩu; thị trường nội địa sức tiêu thụ không cao do kinh tế suy giảm; các chương trình “giải cứu” như trước đây không còn hiệu quả nữa, v.v…

Ông Nguyễn Văn Tài (Gia Lai) cho biết sản lượng dưa hấu vụ này của gia đình ông khoảng 45 tấn, mới thu hoạch bán được một phần ba. Những ngày gần đây, thương lái thu mua rất ít và giá dưa loại đẹp rớt chỉ còn 1.500 đồng/kg. Trước nay loại dưa này được xuất sang Trung Quốc nhưng vì ùn tắc cửa khẩu nên giá dưa hấu mới rẻ như vậy – theo báo Việt Nam Net.

Anh Hồ Thanh Tuấn (Krông Pa, Gia Lai) thuê hơn 17ha đất để trồng dưa hấu. Thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt trên 40 tấn/ha. Anh Tuấn cho biết chưa kịp vui đã “khóc ròng” vì giá dưa hấu rớt thảm.

Với mức giá 1.500 đồng/kg như hiện nay, chi phí đầu tư 1ha dưa hấu khoảng 160 triệu đồng. Gia đình anh Tuấn lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng trên mỗi ha đất trồng.

Tại tỉnh Bình Thuận, theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, giá bán thanh long giảm sâu là do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ách tắc. Số lượng thanh long xuất khẩu bằng đường biển không nhiều do tình trạng khan hiếm vỏ container và chi phí vận chuyển quá cao.

Một số thương lái cho biết giá thanh long thu mua tại vườn hiện nay chỉ khoảng 500-1.000 đồng/kg, hàng đẹp loại xuất khẩu chỉ còn 1.500 đồng/kg – theo báo VOV.

Trong khi đó, nhiều nông dân cho biết chi phí sản xuất thanh long nghịch vụ lên tới 10.000 đồng/kg, với giá bán 1.000 đồng/kg, trung bình nông dân lỗ đến 9.000 đồng/kg…

Anh Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết: “Nhiều thương lái tới vườn nhìn rồi bỏ đi không nói lời nào, số ít thì trả 500 đồng/kg, thực sự tôi không thể tin nổi. Sau nhiều lần ngã giá, cuối cùng tôi đành bán cho một thương lái với giá 700 đồng/kg, thu về chưa được 5 triệu đồng cho 7 tấn thanh long”, báo VOV dẫn lời.

Tại Tiền Giang, các thương lái thu mua mít Thái tại vườn đối với mít Kem lớn (loại trái nặng từ 9kg trở lên) giá từ 12.000-13.000 đồng/kg; mít Kem nhỏ (loại trái từ 4-9kg) giá từ 3.000-4.000 đồng/kg – theo báo Dân Việt.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Đồng Đăng – Lạng Sơn, số xe xuất khẩu sang Trung Quốc luôn ở trong tình trạng “nhỏ giọt”, trong khi xe từ phía Trung Quốc nhập về Việt Nam dồn dập không gặp trở ngại nào. Cụ thể, ngày 3/3, tổng lượng xe nhập từ Trung Quốc về là 382 xe, tổng lượng xe Việt Nam xuất sang Trung Quốc là 48 xe. Như vậy, tổng lượng xe nhập về cao gấp gần 8 lần tổng lượng xe xuất đi.

Tình trạng này khiến Việt Nam rơi vào cảnh tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc, cán cân thương mại nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc và thiệt hại nặng nề thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, tính 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc ước đạt 19,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 7,18 tỷ USD; còn kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 12,5 tỷ USD.

Quang Minh