Ngày 21/6, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) đã công bố Báo cáo “Khảo sát niềm tin kinh doanh 2023”, cho thấy niềm tin của các công ty châu Âu đối với môi trường đầu tư tại Trung Quốc đã giảm cao mức kỷ lục.

shutterstock 2237621795
Theo báo cáo “Khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023” do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố, niềm tin kinh doanh của các công ty châu Âu đối với môi trường đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh. Hình ảnh cảng Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 20/8/2022 (Ảnh: ambient_pix / Shutterstock)

Niềm tin tiếp tục giảm

Theo trang web chính thức của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc và công ty Roland Berger về tư vấn quản lý quốc tế ngày 21/6 đã cùng công bố báo cáo khảo sát thường niên: “Khảo sát về Niềm tin Kinh doanh năm 2023” (Business Confidence Survey 2023, BCS 2023). Kết quả của báo cáo khảo sát cho thấy niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Theo báo cáo khảo sát, mặc dù vào cuối năm 2022 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dừng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh, sau đó tích cực tìm cách khôi phục sức hấp dẫn đầu tư, nhưng điều này không dễ dàng. Niềm tin đã lao dốc trong quá trình 3 năm ĐCSTQ chống COVID-19, không dễ có thể đảo ngược trong một sớm một chiều. Suy tính các rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư và môi trường kinh doanh không ngừng xấu đi, doanh giới châu Âu đã bắt đầu xem xét lại các chiến lược đầu tư và kinh doanh của họ, đảm bảo làm sao chuỗi cung ứng có thể đối phó với nhiều bất ổn khác nhau.

Theo báo cáo khảo sát, 64% số công ty châu Âu cho biết, trong năm qua khó khăn trong hoạt động ở Trung Quốc đã tăng lên, đây là tỷ lệ cao kỷ lục. 30% số công ty châu Âu cho biết thu nhập hoạt động của họ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này cũng đạt mức cao kỷ lục khi tăng 20 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái; 11% số công ty châu Âu đã chuyển khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc sang thị trường ở các nước (hoặc vùng lãnh thổ) khác; 8% số công ty châu Âu đã thay đổi quyết định trong tương lai tiếp tục đầu tư ở Trung Quốc, thay vào là chuyển sang đầu tư vào thị trường ở các nơi khác; 20% số công ty châu Âu được khảo sát cho biết họ đã lên kế hoạch hoặc có kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc trụ sở công ty hoặc trụ sở đơn vị kinh doanh của họ ở châu Á. Trong số các công ty coi Trung Quốc là 3 điểm đến đầu tư hàng đầu trong tương lai, tỷ lệ này đã giảm 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Jens Eskelund của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: “Xu hướng tiêu cực được đề cập trong báo cáo năm nay là đáng lo ngại. Điều này phản ánh những thách thức gần đây do tính bấp bênh của môi trường chính sách và căng thẳng địa chính trị của Trung Quốc, ngoài ra còn vấn đề các rào cản chính sách để vào thị trường Trung Quốc”.

Ông Denis Depoux, đồng chủ tịch hội đồng quản trị toàn cầu của Roland Berger, cũng chỉ rõ: “Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể tăng lên nếu không cung cấp nhiều giải pháp hơn để giải quyết những bất ổn mà các doanh nghiệp gặp phải. Nhiều công ty châu Âu hiện đang tập trung nhiều hơn vào cách làm sao hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn thay vì giành được nhiều thị phần hơn. Điều đó không tốt cho cạnh tranh”.

Tháng 5 năm nay, Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cũng công bố một báo cáo tương tự, bày tỏ lo ngại về sự bấp bênh của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Nhìn lại bối cảnh tình hình

Tháng 6/2022, Nhật báo Giải phóng (Jiefang Daily) của Thượng Hải – Trung Quốc đưa tin, sau khi dỡ bỏ chính sách “Zero COVID” phong tỏa xã hội để chống dịch, chính quyền Thượng Hải đã lên kế hoạch trong tháng 6 tổ chức 20 hội nghị bàn tròn trực tuyến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phạm vi hội nghị liên quan đến các công ty đa quốc gia hàng đầu về ô tô, thương mại, chất bán dẫn và y sinh. Giới chức ở Thượng Hải cố gắng hàn gắn những rạn nứt do phong tỏa gây ra với các công ty đa quốc gia. Do chính sách Zero COVID” gây phong tỏa xã hội đã khiến nhiều người nước ngoài rời bỏ Thượng Hải, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đưa ra cảnh báo rằng họ đang xem xét lại kế hoạch đầu tư.

Reuters của Anh đưa tin, Phòng Thương mại châu Âu (European Chamber of Commerce) ngày 8/6 cho biết, giới chức Thượng Hải sẽ không còn yêu cầu người nước ngoài trở lại làm việc và gia đình của họ phải cầm thư mời chính thức của ĐCSTQ (cái gọi là thư PU). Do sự bùng phát của COVID-19, chính quyền Bắc Kinh kể từ đầu năm 2020 đã yêu cầu người nước ngoài phải có thư PU như điều kiện xin cấp thị thực, điều này đã cản trở nghiêm trọng tiến độ tuyển dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Joerg Wuttke, khi đó là Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của Thượng Hải, cũng làm suy yếu khả năng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia vào Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường đầu tư cởi mở ở những nước/vùng lãnh thổ khác đã thu hút vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “họ không thể ngồi đợi ĐCSTQ dọn dẹp mớ hỗn độn”.

Ngày 8/6, nhà chức trách Thượng Hải thừa nhận rằng chính sách “Zero COVID” chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư nước ngoài của Thượng Hải.

Ngày 21/9/2022, trang web của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (European Union Chamber of Commerce in China) đã phát hành “Báo cáo Lập trường Doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc 2022/2023” (European Business in China Position Paper 2022/2023). Theo đó, trong đợt bùng phát COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2020, Trung Quốc được coi là nơi trú ẩn an toàn cho đầu tư so với phần còn lại của thế giới. Nhưng sau đó ĐCSTQ kiên quyết áp dụng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh, dẫn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài buộc phải gián đoạn, rủi ro đầu tư và hoạt động ngày càng tăng.

Các yếu tố khác làm suy yếu thêm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài như: sự thiên vị của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp nhà nước, môi trường kinh doanh bị chính trị hóa… Do đó ngày càng có nhiều công ty nước ngoài coi Trung Quốc là nơi khó lường, không đáng tin cậy và kém hiệu quả, triển vọng môi trường đầu tư trong tương lai của Trung Quốc ngày càng bất ổn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Về giải pháp, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng, cải cách toàn diện thị trường Trung Quốc là cách hiệu quả nhất để Trung Quốc phát huy tiềm năng kinh tế và nhanh chóng xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng nan đề của vấn đề này là ĐCSTQ phải thực hiện cải cách chính trị. Như ông Jörg Wuttke cho biết khi là chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc: Các mục tiêu chính trị và hệ tư tưởng của ĐCSTQ được ưu tiên hơn vấn đề kinh tế.